Viêm hang vị dạ dày – Một yếu tố góp phần dẫn đến ung thư dạ dày.

Viêm hang vị dạ dày là tình trạng viêm ở phần hang vị, thường do vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra. Nếu không điều trị sớm, bệnh dễ tái phát và tiến triển nặng, có thể trở thành yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Ngày 24/04/2025, 02:19:35   Tác giả : Bích Nhuần    Lượt xem: 57

Theo bác sĩ, giảng viên tại Cao đẳng Y Dược TPHCM - trường Cao đẳng Y Dược Pasteur tìm hiểu cụ thể qua bai viết dưới đây nhé!

1. Vị trí và vai trò của hang vị dạ dày

Hang vị nằm giữa bờ cong nhỏ của dạ dày và lỗ môn vị, với chiều dài dao động từ 3cm đến 5cm. Vai trò chủ yếu của hang vị là nghiền nhỏ thức ăn, hỗ trợ quá trình chuyển hóa và hấp thu chất dinh dưỡng một cách hiệu quả. Do thường xuyên tiếp xúc với thực phẩm, khu vực này dễ bị viêm nếu không được bảo vệ tốt.

2. Viêm hang vị dạ dày là gì?

Viêm hang vị dạ dày là tình trạng tổn thương tại vùng hang vị của dạ dày. Lớp niêm mạc dạ dày, một màng mỏng có vai trò bảo vệ thành dạ dày khỏi các yếu tố có hại như acid dạ dày, nếu bị kích thích hoặc tổn hại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành viêm nhiễm.

Viêm hang vị dạ dày có thể tái phát nhiều lần và trở thành mãn tính nếu không được điều trị triệt để. Đây là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến xuất huyết, thủng dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày.

Viêm hang vị thường khiến người bệnh đau tại vùng thượng vị

3. Các triệu chứng của bệnh

Triệu chứng của viêm hang vị dạ dày có thể khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng cá nhân. Tuy nhiên, các triệu chứng phổ biến thường gặp bao gồm:

  • Cảm giác đau ở vùng thượng vị.
  • Cảm giác đầy bụng, nóng rát tại vùng thượng vị.
  • Thường xuyên bị ợ chua hoặc ợ hơi.
  • Ăn uống không ngon miệng, mất cảm giác thèm ăn.
  • Cảm giác buồn nôn và nôn mửa.

4. Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm hang vị dạ dày

4.1. Nhiễm khuẩn HP

Helicobacter Pylori (HP) là loại vi khuẩn có khả năng xâm nhập và sinh sống trong lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Vi khuẩn này phát triển âm thầm, làm tăng mức độ acid và thay đổi môi trường trong niêm mạc hang vị.

4.2. Tác dụng phụ của thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Các thuốc chống viêm NSAID có thể gây ra các tác dụng phụ, trong đó có viêm hang vị dạ dày. Vì vậy, trước khi sử dụng nhóm thuốc này, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

4.3. Căng thẳng và trầm cảm

Căng thẳng và trầm cảm là những yếu tố góp phần làm gia tăng nguy cơ viêm hang vị dạ dày. Các dây thần kinh ở ruột có sự kết nối với hệ thần kinh trung ương, và khi cơ thể bị căng thẳng kéo dài, hệ tiêu hóa có thể bị ảnh hưởng.

4.4. Chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu cân bằng

Thói quen ăn uống và sinh hoạt không hợp lý có thể làm tăng nguy cơ viêm hang vị dạ dày, đặc biệt là khi thường xuyên ăn các món cay nóng hoặc thức ăn khó tiêu. Ngoài ra, việc sử dụng rượu, bia, thuốc lá cũng có thể làm tăng sản sinh acid trong dạ dày, dẫn đến viêm. Hơn nữa, thiếu ngủ và thức khuya có thể khiến tình trạng căng thẳng, trầm cảm gia tăng, gián tiếp làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

5. Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm hang vị

5.1. Chẩn đoán

Để xác định liệu người bệnh có bị viêm hang vị dạ dày hay không, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp chẩn đoán sau:

Nội soi dạ dày: Đây là kỹ thuật chẩn đoán giúp bác sĩ kiểm tra vị trí và mức độ tổn thương thực tế của dạ dày. Trong quá trình nội soi, bác sĩ thường kết hợp thực hiện CLO Test để xác định tình trạng nhiễm khuẩn HP trong dạ dày.

Kiểm tra hơi thở: Phương pháp này giúp đánh giá độ nhạy và độ đặc hiệu trong việc phát hiện vi khuẩn HP giống như khi thực hiện nội soi. Nếu chỉ cần kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn HP, bác sĩ sẽ chỉ định kiểm tra hơi thở. Ngoài ra, xét nghiệm này cũng có thể được sử dụng để theo dõi tình trạng nhiễm khuẩn sau khi điều trị.

Trong quá trình sử dụng thuốc điều trị viêm dạ dày, bạn nên tránh uống rượu bia.

5.2. Phương pháp điều trị

5.2.1. Sử dụng thuốc

Đối với những trường hợp viêm hang vị có nhiễm vi khuẩn HP, bệnh nhân thường được chỉ định sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn này. Phác đồ điều trị vi khuẩn HP thường kéo dài 14 ngày, kết hợp giữa kháng sinh và thuốc ức chế acid dạ dày, kéo dài ít nhất 2 tháng.

Trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng thuốc.

5.2.2. Thay đổi thói quen sinh hoạt

Ngoài việc sử dụng thuốc, bệnh nhân viêm hang vị cũng được khuyến nghị thay đổi thói quen sinh hoạt theo hướng lành mạnh. Việc này giúp rút ngắn thời gian điều trị và giảm thiểu nguy cơ tái phát.

Trong chế độ ăn uống hàng ngày, người bệnh nên ưu tiên lựa chọn các loại rau củ có màu đậm. Đồng thời, cần hạn chế tối đa việc sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác.

6. Biện pháp phòng ngừa viêm hang vị dạ dày

Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa viêm hang vị là duy trì lối sống khoa học và chế độ ăn uống hợp lý. Chuyên gia, giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cho biết cụ thể:

- Thiết lập thời gian sinh hoạt điều độ, tránh căng thẳng kéo dài, tránh dùng chất kích thích và đảm bảo ngủ đủ giấc.

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân mỗi ngày.

- Giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng đãng.

- Luôn rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Hạn chế các loại thực phẩm có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày như đồ ăn cay nóng, thực phẩm hoặc đồ uống chứa nhiều caffein, rượu và bia.

- Tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh, thuốc giảm đau hay thuốc chống viêm NSAID mà không có chỉ định của bác sĩ.

Để kịp thời phát hiện và điều trị viêm hang vị, bạn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc đến cơ sở y tế ngay khi có dấu hiệu bất thường

Xem thêm tại: ytevietnam.net.vn