Tìm ra nguyên nhân và cách điều trị bệnh tinh hoàn lạc chỗ

Bệnh tinh hoàn lạc chỗ thường xảy ra ở thai nhi các tháng cuối cùng khi tinh hoàn không di chuyển được vào đúng vị trí bìu, đây là bệnh lý bẩm sinh và cần được điều trị sớm.

Ngày 31/03/2018, 02:02:28   Tác giả :     Lượt xem: 5634

Tinh hoàn lạc chỗ hay tinh hoàn ẩn, tinh hoàn không xuống bìu là một dị tật rất thường hay gặp ở trẻ em. Tỷ lệ mắc từ 3 – 4% trẻ bình thường và 30% trẻ sơ sinh đẻ non. Khuyết tật này thường không được gia đình phát hiện, cán bộ y tế xử lý muộn, để lại hậu quả lâu dài về sau, ảnh hưởng chức năng sinh sản vô sinh, ung thư hoá lúc về già.

Tìm ra nguyên nhân và cách điều trị bệnh tinh hoàn lạc chỗ

Tìm ra nguyên nhân và cách điều trị bệnh tinh hoàn lạc chỗ

Hãy cùng theo dõi cuộc trò chuyện của chúng tôi với bác sĩ Nguyễn Hữu Định – Giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur để cùng tìm hiểu về nguyên nhân, biến chứng cũng như cách điều trị tinh hoàn lạc chỗ nhé!

Hỏi: Thưa Bác sĩ, Bác sĩ có thể cho biết tinh hoàn lạc chỗ là như thế nào và các yếu tố nguy cơ nào có thể gây ra tình trạng tinh hoàn lạc chỗ?

Trả lời:

Nếu thai nhi phát triển bình thường thì trong vài tháng cuối tinh hoàn sẽ từ từ rời khỏi bụng, đi qua một đoạn ống trong háng và rơi vào bìu. Tinh hoàn lạc chỗ là tình trạng tinh hoàn không di chuyển vào đúng vị trí của nó trong bao da treo ngay phía sau dương vật (bìu) trước khi bé trai ra đời. Thường thì trong đa số trường hợp chỉ có một tinh hoàn bị ảnh hưởng, nhưng trong một số trường hợp có thể cả hai tinh hoàn bị lạc chỗ.

Các yếu tố nguy cơ: Trẻ sinh non, thiếu cân là yếu tố thường gặp nhất. Ngoài ra tiền sử gia đình bị tinh hoàn lạc chỗ hoặc bất thường trong quá trình phát triển bộ phận sinh dục. Trong quá trình mang thai người mẹ sử dụng rượu. Hút thuốc lá thụ động hoặc chủ động, tiếp xúc với thuốc trừ sâu. Mẹ bị béo phì, mắc đái tháo đường thai kỳ.

Hỏi: Vậy biểu hiện lâm sàng của tinh hoàn lạc chỗ là gì thưa Bác sĩ?

Trả lời:

Biểu hiện lâm sàng:

  • Tinh hoàn không có trong bìu một bên hay cả hai bên.
  • Tinh hoàn nằm trên bìu và sờ thấy được.
  • Tinh hoàn nằm trong ổ bụng và không sờ thấy được.
  • Đo kích thước tinh hoàn và so sánh hai bên (nếu sờ thấy) đối chiếu với tiêu chuẩn Prader.
  • Đo kích thước dương vật.
  • Khám và phát hiện các dị tật sinh dục niệu đạo khác như tật lỗ đái thấp, âm vật phì đại, bìu không phát triển bình thường.
  • Cân nặng, chiều cao và các dấu hiệu liên quan đến dậy thì với trẻ lớn trên 10 tuổi. Nếu chỉ có tật tinh hoàn ẩn, thường các dấu hiệu khác đều bình thường.

Bé trai mắc bệnh tinh hoàn lạc chỗ có dấu hiệu gì?

Bé trai mắc bệnh tinh hoàn lạc chỗ có dấu hiệu gì?

Hỏi: Vậy thì khi đó bên cạnh dấu hiệu lâm sàng chúng ta cần làm các xét nghiệm cận lâm sàng nào?

Trả lời:

Các xét nghiệm cần làm:

LH và testosteron thấp hơn bình thường hay bình thường. Nhiễm sắc thể để xác định giới tính. Nghiệm pháp HCG. Cho HCG tiêm bắp cách nhật, 3 lần liền. Định lượng testosteron huyết thanh trước khi tiêm và sau mũi tiêm thứ ba 24 giờ. Nếu có tinh hoàn testosteron sẽ tăng lên sau khi tiêm mũi thứ 2. Nếu không có tinh hoàn nồng độ testosteron trước và sau tiêm không thay đổi. Giá trị của test là dùng để xác định bệnh có tinh hoàn hay không. Ngoài ra còn có siêu âm ổ bụng dùng để xác định vị trí và kích thước tinh hoàn.

Hỏi: Tinh hoàn lạc chỗ có thể gây ra các biến chứng nào thưa Bác sĩ?

Trả lời:

Tinh hoàn lạc chỗ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm sau đây:

  • Xoắn tinh hoàn gây đau đớn cho bệnh nhân do chặn máu đến tinh hoàn
  • Ung thư tinh hoàn
  • Teo tinh hoàn
  • Thoát vị bẹn
  • Trở ngại trong vấn đề sinh sản, gây giảm khả năng sinh sản, vô sinh do số lượng tinh trùng ít, chất lượng tinh trùng kém.
  • Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị rối loạn tâm lý do mặc cảm, tự ti về bản thân

Hỏi: Thế thì tình trạng tinh hoàn lạc chỗ sẽ được xử lý như thế nào?

Trả lời:

Điều trị: Cần cho hocmon trị liệu trước khi làm phẫu thuật

Cách cho hocmon:

Phẫu thuật điều trị tinh hoàn lạc chỗ

Phẫu thuật điều trị tinh hoàn lạc chỗ

  • Sử dụng thuốc tân dược Pregnyl 1500 đơn vị x 6 ống/mỗi tuần tiêm 2 ống, 3 tuần liền, nghỉ 1 tuần.
  • Testosterol 100mg/tiêm bắp/1 tháng 1 lần/ 4 – 6 tháng. Sau 3 tháng kiểm tra lại: nếu không có kết quả có thể tiếp theo 1 đợt mới, nhưng không nên nhiều hơn. Nếu có tinh hoàn, tỷ lệ tự xuống sau dùng HCG từ 30 – 60%. Nếu không xuống được cũng tạo thuận lợi cho phẫu thuật tốt hơn.
  • Biện pháp ngoại khoa đưa tinh hoàn xuống bìu được áp dụng khi:
  • Phẫu thuật chỉ định khi tinh hoàn lạc chỗ, cần đưa về và cố định trong bìu.
  • Hocmon liệu pháp thất bại.
  • Tác dụng thẩm mỹ và tâm lý.
  • Đề phòng ung thư hoá về sau. Vì vậy phẫu thuật là bắt buộc, không được để tinh hoàn trong ổ bụng.
  • Thời gian làm phẫu thuật càng sớm trước 12 – 24 tháng càng tốt, tránh tinh hoàn bị thoái hoá vì nằm lâu trong ổ bụng.

Hy vọng với những chia sẻ trên của Bác sĩ đến từ Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur chúng ta đã có thêm những hiểu biết cần thiết về nguyên nhân, dấu hiệu cũng như cách điều trị tinh hoàn lạc chỗ.

Nguồn: Ytevietnam.net.vn