Hướng dẫn phân biệt các loại insulin trong quản lý bệnh tiểu đường

Để sống chung với bệnh tiểu đường một cách an toàn, người bệnh có thể sử dụng insulin như một giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Dưới đây là thông tin phân loại insulin và các điểm cần lưu ý trong quá trình điều trị.

Ngày 22/04/2025, 02:08:24   Tác giả : Bích Nhuần    Lượt xem: 29

Theo bác sĩ, giảng viên tại Cao đẳng Y Dược TPHCM - trường Cao đẳng Y Dược Pasteur tìm hiểu cụ thể qua bai viết dưới đây nhé!

1. Phân loại insulin

Sử dụng insulin là một phương pháp điều trị phổ biến đối với bệnh tiểu đường. Hiện nay, có nhiều loại insulin có tác dụng tương tự nhau, nhưng mỗi loại sẽ có tốc độ và thời gian tác dụng khác nhau nhờ vào sự khác biệt về cấu trúc. Insulin có thể được phân loại dựa trên các yếu tố sau:

1.1. Phân loại insulin theo thời gian tác động

Dựa trên thời gian tác dụng, insulin được chia thành hai nhóm chính: insulin bữa ăn (insulin bolus) và insulin nền (insulin basal), cụ thể như sau:

- Insulin bữa ăn (insulin bolus): Đây là loại insulin giúp kiểm soát lượng đường huyết được sinh ra từ bữa ăn, và có thể được phân thành hai loại nhỏ:

  • Insulin tác dụng nhanh: Có thể sử dụng ngay trước khi bắt đầu bữa ăn. Sau khi tiêm, insulin sẽ bắt đầu phát huy tác dụng sau vài phút và duy trì hiệu quả từ 3 đến 5 giờ, tùy thuộc vào loại insulin.

Thời điểm phát huy tác dụng của mỗi loại insulin sẽ khác nhau

  • Insulin tác dụng ngắn: Loại insulin này có tác dụng tương tự như insulin tác dụng nhanh, nhưng tốc độ tác động chậm hơn. Người bệnh có thể tiêm insulin này trước bữa ăn khoảng 30 phút. Tác dụng của insulin sẽ kéo dài từ 5 đến 8 giờ.

- Insulin nền (insulin basal): Loại insulin này có thể được sử dụng 1-2 lần mỗi ngày, bao gồm các loại như:

  • Insulin NPH: Là dạng insulin hỗn dịch đục, thường có chứa protamine và kẽm. Trước khi sử dụng, người bệnh cần phải trộn đều insulin.
  • Insulin tác dụng kéo dài (Lantus, Detemir, Degludec): Đây là nhóm insulin có tác dụng kéo dài và ổn định hơn so với insulin NPH.

- Insulin dạng hỗn hợp (pre-mix): Là sự kết hợp giữa insulin tác dụng nhanh và insulin tác dụng chậm. Khi sử dụng loại insulin này, bệnh nhân không cần phải sử dụng thêm insulin nền.

1.2. Phân loại theo nguồn gốc sản xuất

Dựa vào nguồn gốc sản xuất, insulin có thể được phân thành các loại sau:

- Insulin người: Là loại insulin được tổng hợp trong phòng thí nghiệm thông qua công nghệ tái tổ hợp DNA.

- Insulin analog: Đây là insulin tổng hợp, nhưng cấu trúc phân tử của nó có sự điều chỉnh ở một số vị trí. Những thay đổi này nhằm mục đích cải thiện hiệu quả điều trị của insulin.

- Insulin động vật: Là insulin được chiết xuất từ động vật như bò hoặc lợn. Tuy nhiên, phương pháp này không được ưa chuộng vì có sự khác biệt với insulin người, điều này có thể dẫn đến một số tác dụng phụ không mong muốn.

2. Thời điểm sử dụng và vị trí tiêm insulin

Việc sử dụng insulin đúng cách là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát tiểu đường hiệu quả. Dưới đây là các hướng dẫn chi tiết:

- Thời điểm sử dụng: Mỗi loại insulin cần được tiêm vào thời điểm phù hợp để đạt hiệu quả tối ưu, cụ thể như sau:

  • Insulin tác dụng nhanh: Thường được tiêm ngay trước bữa ăn.
  • Insulin tác dụng ngắn: Nên được tiêm khoảng 30 phút trước bữa ăn.
  • Insulin NPH: Sử dụng 1-2 lần mỗi ngày.
  • Insulin tác dụng kéo dài: Nên tiêm vào một thời điểm cố định trong ngày và thường chỉ cần sử dụng một lần/ngày.
  • Insulin hỗn hợp: Loại insulin này được chỉ định tiêm trước bữa ăn.

Cần duy trì việc giám sát mức đường huyết đều đặn cho người bệnh.

- Vị trí tiêm insulin: Insulin thường được tiêm dưới da để đảm bảo hiệu quả hấp thu. Vùng bụng là vị trí tối ưu để insulin được hấp thu nhanh chóng và hiệu quả nhất. Trong một số trường hợp có tình trạng tăng đường huyết cấp tính, người bệnh có thể cần tiêm hoặc truyền insulin qua tĩnh mạch.

3. Lưu ý khi tiêm insulin

Việc sử dụng insulin đúng cách rất quan trọng để kiểm soát bệnh tiểu đường. Sau đây là một số lưu ý cho người bệnh - Chuyên gia, giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết:

- Theo dõi đường huyết thường xuyên: Giúp kiểm soát tình trạng bệnh và kịp thời xử lý khi có dấu hiệu bất thường.

- Điều chỉnh liều insulin: Liều insulin cần điều chỉnh tùy theo nhiều yếu tố như thuốc đang dùng, chế độ ăn uống, tăng giảm cân hay tập thể dục. Người bệnh cần thăm khám định kỳ để bác sĩ điều chỉnh liều thuốc phù hợp.

- Chọn vị trí tiêm: Người bệnh nên thay đổi vị trí tiêm giữa các khu vực như bụng, tay, đùi để tránh tình trạng sần cứng da hoặc loạn dưỡng mô mỡ.

- Không xoa bóp khu vực tiêm: Việc xoa bóp sau khi tiêm có thể ảnh hưởng đến tốc độ và thời gian tác dụng của insulin.

- Chú ý tác dụng phụ: Tiêm sai cách hoặc sai liều lượng có thể gây hạ đường huyết, với các triệu chứng như hoa mắt, run rẩy, mệt mỏi, và có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong.

- Kiểm tra thuốc: Trước khi tiêm, cần kiểm tra insulin có vón cục, đổi màu hoặc hết hạn sử dụng hay không.

- Bảo quản insulin đúng cách: Insulin nên được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh (2-8°C). Sau khi mở, có thể để insulin ở nhiệt độ phòng (25°C).

Người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ và duy trì chế độ ăn uống hợp lý, lối sống khoa học để kiểm soát đường huyết ổn định và nâng cao chất lượng sống.

Xem thêm tại: ytevietnam.net.vn