Tác dụng của vị thuốc bách bộ là gì?

Bách bộ mọc hoang nhiều ở các tỉnh miền núi phía bắc, có nhiều tác dụng đặc biệt là trị ho và trị giun, tuy nhiên do khai thác quá mức khiến cho trữ lượng dược liệu đang bị giảm dần.

Ngày 02/01/2020, 07:01:50   Tác giả : Văn Quyết    Lượt xem: 3515


Bách bộ thuộc loại cây leo
Bách bộ thuộc loại cây leo

1.Tên gọi:

Tên khoa học:  Stemona tuberosa Lour. họ Bách bộ - Stemonaceae.

Tên khác: Dây ba mươi, bách bộ, bà phụ thảo, bách nãi, thấu dược, bách điều căn, chầu chàng, sam sip lạc...

2. Đặc điểm thực vật

Bách bộ thuộc loại cây leo dài 6 - 8m. Thân nhỏ, nhẵn. Lá thường mọc đối có khi vừa mọc đối, vừa mọc cách, có cuống, lá hình tim, trên mặt lá ngoài gân chính có 6-8 gân phụ chảy dọc từ cuống đến đầu lá, có gân ngang nhỏ và rõ. Hoa tự mọc ở kẽ lá gồm 1 - 2 hoa, màu vàng đỏ. Bao hoa gồm 4 phiến: 2 phiến ngoài dài 4cm, rộng 5cm; 2 phiến trong rộng hơn. Có 4 nhị, tua ngắn. Quả nang có 4 hạt. Rễ củ màu vàng nhạt, mọc thành chùm 20-30 củ (có khi tới 100 củ) dài 10-25cm đường kính 2,5-2cm.                                                                   

3. Phân bố, thu hái và chế biến

Bách bộ mọc hoang nhiều vùng núi nước ta (Hoà Bình, Phú Thọ...). Trên thế giới có mọc ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Châu Úc.

Mùa thu đông đào củ về rửa sạch, củ nhỏ để nguyên, củ to bổ đôi đem phơi, sấy khô. Củ càng lâu năm càng to và dài, chứa nhiều hoạt chất.

4. Bộ phận dùng

Rễ củ (Radix Stemonae).

Theo y học cổ truyền, củ thường cong queo bổ đôi hay để nguyên dài 5cm trở lên, rộng trên 0,5cm, đầu trên hơi phình to, đầu dưới thuôn nhỏ, mặt ngoài màu vàng nâu có nhiều nếp nhăn. Mặt cắt ngang mô mềm vỏ dày trụ giữa cứng, vị đắng hơi ngọt.

5. Thành phần hóa học

Trong củ Bách bộ mọc ở Việt Nam có alcaloid (0,5-0,6%) trong đó alcaloid chính là Tuberostemonin LG ngoài ra còn 8 vết hiện màu với thuốc thử Dragendorff trên sắc kí lớp mỏng chưa phân lập được để xác định cấu trúc hoá học.

Ngoài ra trong rễ củ còn có glycosid (2,3%), lipid (0,84%) protid (9,25%) và acid hữu cơ


Tác dụng và công dụng bách bộ là gì?

6. Tác dụng và công dụng 

Tác dụng dược lý

Tác dụng kháng  khuẩn:  Radix Stemonae in vitro có tác dụng kháng khuẩn đối với nhiều loại như Streptococus Pneumoniae, bHemolytic Streptococus, Neisseria Meningitidis và Staphylococus aureus. Bách bộ có tác dụng diệt vi khuẩn ở ruột gìa và kháng vi khuẩn của bệnh lỵ, phó thương hàn             

Tác dụng diệt ký sinh trùng: dịch chiết trong cồn của Bách Bộ có tác dụng diệt ký sinh trùng như chấy rận, bọ chét, ấu trùng ruồi, muỗi, rệp...

Tác động lên hệ hô hấp: bách bộ có tác dụng làm giảm hưng phấn trung khu hô hấp, làm giảm ho, ức chế phản xạ ho.

Tác dụng trị giun và diệt côn trùng: giun sẽ tê liệt sau 15 phút ngâm trong dung dịch 0,15% Stemonin. Tiêm dung dịch Stemonin sulfat (3mg) vào ếch nặng 25g, có thể làm cho ếch tê bại, bình phục lại sau 12 giờ. Rượu thuốc Bách bộ 1/10 trong rượu 70o, ngâm hoặc phun vào con rận, rận sẽ chết sau một phút.

Công dụng

Bách bộ làm các bài thuốc dân gian, thuốc trị ho ngày uống 6-20g dưới dạng thuốc sắc, hoặc nấu thành cao (thường dùng phối hợp với một số vị thuốc khác).

Trị giun đũa: ngày uống 7-10g dạng thuốc sắc uống 5 ngày liền vào buổi sáng lúc đói sau uống thuốc tẩy.

Trị giun kim: Bách bộ tươi 40g (hoặc 20g bách bộ khô) đun với 200ml nước cô còn 30ml thụt giữ 20 phút; điều trị liền trong 10-12 ngày

Ngoài ra bách bộ còn trừ chấy, rận, bọ chó... cho súc vật.

Nguồn: Y dược Việt Nam 2020 tổng hợp