Chuyên gia hướng dẫn cách điều trị ngộ độc Phenobarbital

Phenobarbital thuộc nhóm barbiturates được dùng để điều trị động kinh. Đây là thuốc ngủ, chống động kinh có tác dụng chậm (3 – 6 giờ) và kéo dài và có thể gây ngộ độc.

Ngày 12/04/2018, 09:20:30   Tác giả : Trang Minh    Lượt xem: 3055

Vậy ngộ độc phenobarbital có nguy hiểm không? Bệnh được điều trị như thế nào? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này chúng tôi có cuộc trò chuyện với Bác sĩ Chu Hòa Sơn, hiện đang là giảng viên tại Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur.

Chuyên gia hướng dẫn cách điều trị ngộ độc Phenobarbital

Chuyên gia hướng dẫn cách điều trị ngộ độc Phenobarbital

Mức độ nguy hiểm phenobarbital đến đâu?

Hỏi: Thưa Bác sĩ, Bác sĩ có thể cho biết Phenobarbital có những độc tính nguy hiểm nào ?

Trả lời:

Điều trị kéo dài bằng phenobarbital có thể gây ngộ độc mãn tính vì thuốc được tích lũy trong cơ thể. Ngộ độc phenobarbital thường do uống lầm hoặc quá liều. Liều độc trên 30 – 40 mg/kg. Phenobarbital phần lớn được thải ra dưới dạng không đổi trong nước tiểu, ngược lại chuyển hóa gan gần như hoàn toàn đối với các hợp chất có thời gian tác dụng ngắn và trung bình.

Độc tính của Phenobarbital:

Ức chế hệ thần kinh trung ương.

Suy hô hấp do ức chế trung tâm hô hấp.

Hạ huyết áp là do sự dãn mạch và ức chế co cơ tim.

Trang tin y tế cũng đã thông tin về điều này đến độc giả.

Hỏi: Bệnh nhân bị ngộ độc Phenobarbital sẽ có các biểu hiện lâm sàng nào ?

Trả lời:

Xét về bệnh sử: bệnh nhân uống thuốc ngủ hoặc thuốc chống động kinh.

Biểu hiện lâm sàng:

+ Buồn ngủ, lơ mơ.

+ Hôn mê yên tĩnh dạng ức chế thần kinh trung ương.

+ Ức chế trung tâm hô hấp: thở chậm, thở yếu, cơn ngừng thở.

+ Đồng tử co nhỏ.

+ Giảm phản xạ gân xương.

+ Không dấu thần kinh khu trú.

+ Hạ huyết áp (sốc thần kinh), hạ thân nhiệt trong trường hợp nặng.

Hỏi: Vậy chúng ta cần làm các xét nghiệm cận lâm sàng nào khi bệnh nhân bị ngộ độc Phenobarbital ?

Trả lời:

Các xét nghiệm cần làm:

+ Tìm phenobarbital trong dịch dạ dày, nước tiểu, trong máu.

+ Đường huyết.

+ Ion đồ.

+ X-quang phổi.

+ Tìm Morphin trong nước tiểu khi cần chẩn đoán phân biệt.

Chẩn đoán xác định:

Bệnh sử: bệnh nhân có uống thuốc ngủ hoặc thuốc chống động kinh.

Lâm sàng: Lơ mơ hoặc hôn mê. Thở chậm, cơn ngừng thở. Đồng tử co nhỏ.

Xét nghiệm: có phenobarbital trong dịch dạ dày hoặc nước tiểu hoặc trong máu.

Chẩn đoán phân biệt: Hạ đường huyết. Ngộ độc Morphin. Ngộ độc thuốc ngủ khác. Viêm não màng não. Chấn thương sọ não. Xuất huyết não màng não.

Chuyên gia chỉ rõ phương pháp điều trị ngộ độc phenobarbital

Hỏi: Vậy nguyên tắc điều trị ngộ độc phenobarbital là gì và bệnh được điều trị như thế nào ?

Trả lời:

Nguyên tắc điều trị:

Điều trị tình huống cấp cứu.

Nhanh chóng loại bỏ độc chất.

Kiềm hóa máu bằng dung dịch bicarbonate.

Điều trị biến chứng.

Điều trị: điều trị tình huống cấp cứu.

Chuyên gia chỉ rõ phương pháp điều trị ngộ độc phenobarbital

Chuyên gia chỉ rõ phương pháp điều trị ngộ độc phenobarbital

Hỗ trợ hô hấp, đặt nội khí quản thở máy. Hồi sức sốc: sốc do thần kinh: bù dịch hoặc dùng Dopamin hoặc Noradrenalin. Theo hướng dẫn CVP: Rửa dạ dày: Bệnh nhân còn tỉnh táo hoặc lừ đừ thì cần rửa dạ dày. Bệnh nhân hôn mê chỉ rửa dạ dày khi có đặt nội khí quản có bóng chèn, nằm nghiêng. Than hoạt tính. Kiềm hóa máu bằng dung dịch bicarbonate. Lợi tiểu cưỡng bức và kiềm hóa nước tiểu giúp tăng thải phenobarbital qua nước tiểu: Phenobarbital được thải ở thận sau đó nước tái hấp thu ở ống thận gần. Sự tái hấp thu này bị ức chế khi pH nước tiểu kiềm, pH nước tiểu > 7,3 có thể làm gia tăng 10 lần sự thanh thải phenobarbital.

Bicarbonate dùng đường truyền tĩnh mạch: Giữ pH máu tầm khoảng 7,5 và kiềm hóa nước tiểu để giữ pH nước tiểu khoảng 7,5 – 8 để giảm phân bố salicylate vào mô và để tăng thải salicylate qua thận. Tác dụng của bicarbonate là làm giảm nửa đời sống huyết thanh của salicylate từ 24 giờ còn 6 giờ và tăng độ thanh thải gấp 10 - 20 lần. Bicarbonate: bắt đầu bicarbonate 4,2% 2ml/kg tĩnh mạch sau đó truyền tĩnh mạch dung dịch bicarbonate 1,4% (bicarbonate 140 mEq pha trong 1Lít Dextrose 5%) tốc độ 2 ml/kg/giờ. Sau đó điều chỉnh tốc độ bằng cách theo dõi pH nước tiểu mỗi giờ bằng kỹ thuật que thử tổng phân tích nước tiểu (pH nước tiểu khoảng 7,5 – 8) hoặc thay đổi màu của giấy quỳ kết hợp xét nghiệm khí máu (pH máu khoảng 7,5) mỗi 3 – 6 giờ.

Dinh dưỡng tĩnh mạch ở bệnh nhân hôn mê. Chạy thận nhân tạo hoặc lọc máu liên tục để lấy thuốc ra khỏi cơ thể. Chỉ định: ngộ độc nặng, hôn mê kèm thở máy hoặc tụt huyết áp.

Điều trị biến chứng: Viêm phổi hít. Suy thận cấp.

Hỏi: Vậy thưa Bác sĩ chúng ta cần chú ý đến các vấn đề nào để phòng ngừa biến  chứng ?

Trả lời:

Ngộ độc cấp Phenobarbital là một vấn đề cần phải quan tâm vì tỷ lệ tử vong còn cao do nhiều biến chứng. Khi bệnh nhân bị ngộ độc Phenobarbital cần hết sức chú ý các biến chứng sau:

Viêm phổi, xẹp phổi, loét mục, viêm loét giác mạc.

Suy thận cấp do tiêu cơ vân

Tắc mạch do huyết khối

Để phòng ngừa biến chứng cần chăm sóc bệnh nhân tốt, thay đổi tư thế 3 lần trong ngày đồng thời kết hợp liệu pháp hô hấp. Có thể dùng kháng sinh khi cần, chống đông bằng Lovenox (ống 20mg, tiêm dưới da 1 ống trong ngày). Bệnh nhân cần được tư vấn và khám chuyên khoa tâm thần sau khi ra viện.

Hy vọng với những chia sẻ trên của Bác sĩ giảng viên tại Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur chúng ta đã có thêm kiến thức bổ ích về tình trạng ngộ độc Phenobarbital.

Nguồn ytevietnam.net.vn