Tưa miệng ở trẻ nhỏ cần tìm rõ nguyên nhân và chăm sóc đúng cách

Tưa miệng ở trẻ là vấn đề thường hay gặp làm tổn thương tại miệng của trẻ khiến trẻ cảm thấy khó chịu, khó nuốt, không chịu ăn hay bỏ bú,… Dưới đây là thông tin chia sẻ chi tiết.

Ngày 27/12/2022, 07:52:23   Tác giả : Bích Nhuần    Lượt xem: 592

Nhận biết trẻ nhỏ bị tưa miệng

Tưa miệng ở trẻ nhỏ là tình trạng lưỡi của trẻ có những màng giả có màu trắng ở vùng niêm mạc miệng, đặc biệt là mặt trên của lưỡi. Chúng phát triển nhanh và ăn sâu vào niêm mạc lưỡi, vòm họng, khó bóc và khi bóc đi dễ gây ra chảy máu và đau rát.

Hầu hết trẻ em đều bị sữa bám trong miệng, nên mặt lưỡi sẽ có hơi trắng, nhưng khi những đám trắng này ngày một dày lên, rơ lưỡi nhưng không hết, rất có thể trẻ đã bị tưa miệng do nhiễm nấm Candida gây ra.

Bác sĩ, giảng viên Cao đẳng Hộ sinh – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur chia sẻ: khi trẻ bị gặp phải tình trạng tưa miệng biểu hiện ban đầu là trên đầu lưỡi mọc những chấm trắng nhỏ, sau đó chúng thành đốm trắng to trên phần mặt lưỡi và lan sang hai bên vùng niêm mạc má, vòm miệng, dần dần hình thành từng đám màu trắng sữa và khó bóc. Khi đó trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, đau rát, dẫn đến trẻ biếng ăn, bú kém, khó chịu và quấy khóc. Nếu trẻ bị nặng sẽ kèm theo bị tiêu chảy, ho, viêm phế quản phổi.

Vì vậy, khi quan sát thấy trẻ có hiện tượng bị tưa miệng, khó bú các bậc phụ huynh cần cho trẻ đi khám ngay để xác định nguyên nhân gây ra, có phải do nhiễm nấm Candida hay không, để có hướng điều trị kịp thời.

Để chẩn đoán bệnh chính xác, ngoài khám lâm sàng, có thể cần lấy mẫu bệnh phẩm soi dưới kính hiển vi. Nếu có bằng chứng nguyên nhân từ nấm, bệnh phẩm sẽ được nuôi cấy để chẩn đoán.

Tưa miệng ở trẻ do nhiễm nấm Candida cần điều trị và chăm sóc đúng

Khi trẻ tưa miệng do bị nhiễm nấm gây ra ở mức độ nhẹ, có thể dùng nước muối để súc miệng hằng ngày hoặc được kê đơn thuốc bôi miệng lưỡi, hay còn gọi là "đánh tưa miệng".

Thông thường, nấm miệng trẻ nhỏ thường sẽ biến mất sau 2 tuần. Nếu trẻ bú mẹ, bà mẹ có thể cần điều trị tại chỗ vùng núm vú, để phòng ngừa nấm quay trở lại.

Chuyên mục Mẹ và bé cập nhật cách chăm sóc trẻ tưa miệng do nấm cần chú ý như sau:

Bậc phụ huynh cần vệ sinh, rửa tay sạch sẽ, để trẻ nằm cố định trên giường hoặc bế trẻ.

Sau đó dùng một miếng gạc mềm quấn quanh phần đầu ngón tay trỏ một lượt/đeo miếng gạc tưa lưỡi dạng ống vô trùng được bán sẵn.

Rồi nhúng dung dịch Nystatin (bác sĩ đã cho kê đơn), chạm nhẹ vào phần môi dưới của trẻ để trẻ mở miệng, đưa nhẹ nhàng ngón tay trỏ vào mặt trên lưỡi của trẻ và lau từ trong lưỡi kéo ra ngoài, bỏ miếng gạc vừa dùng đó đi và lặp lại lần tiếp theo nếu lưỡi trẻ có nhiều mảng tưa bám (không để mảng tưa lưỡi rơi vào miệng trẻ, không đưa ngón tay vào quá sâu vào họng của trẻ, vì sẽ gây kích thích gây nôn trớ).

Dùng miếng gạc khác lau phần mặt trong 2 bên má, trên vòm miệng và cuối cùng là phần nướu của trẻ. Cần đánh mảng tưa bằng dung dịch chứa hoạt chất chống nấm 4 lần trong ngày. Sử dụng thuốc liên tục theo chỉ định của bác sĩ, cho đến khi các mảng tưa lưỡi hết hẳn, sau đó tiếp tục đánh tưa thêm 2 ngày.

Chú ý: Đánh tưa lưỡi cho trẻ trước bữa ăn của trẻ 30 phút.

Lời khuyên của bác sĩ

Nhiều cha mẹ thường băn khoăn tưa miệng nguyên nhân do nấm ở trẻ có dự phòng được không. Để dự phòng trong trường hợp nếu mẹ bị nấm âm đạo trong lúc mẹ mang thai, thì phải đi khám để được điều trị. Vì nếu mẹ không được điều trị khỏi, có thể lây sang con trong khi sinh. Khi cho trẻ bú mẹ, nếu thấy ngứa hoặc đau núm vú cần được khám và điều trị.

Nấm Candida theo một vài nghiên cứu chỉ ra rằng nấm phổ biến trên núm vú giả, đặc biệt là loại núm vú cao su. Vì vậy, nếu cho trẻ bú bình hoặc ngậm ti giả, cần đảm bảo rằng bình sữa và núm vú giả (nếu sử dụng) phải đảm bảo vô khuẩn.

Tuy nhiên, ban cố vấn chuyên môn Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur lưu ý, các thông tin trên không thay thế cho lời khuyên của thầy thuốc, bác sĩ; người bệnh cần đến cơ sở y tế nếu cảm thấy sức khỏe bản thân đang đi xuống.

Y tế Việt Nam tổng hợp và chia sẻ