Thuốc Metformin: Công dụng, liều dùng và và những lưu ý khi sử dụng

Thuốc Metformin là thuốc giúp kiểm lượng đường trong máu cao ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn sử dụng thuốc để đảm bảo thuốc đem lại hiệu quả tốt nhất và an toàn.

Ngày 27/06/2022, 08:22:25   Tác giả : Bích Nhuần    Lượt xem: 510

Metformin là thuốc gì?

Metformin là thuốc gì?

DSCKI Cô Nguyễn Hồng Diễm giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết: Metformin là một thuốc chống đái tháo đường nhóm biguanid, có tác dụng ức chế tổng hợp glucose ở gan, làm tăng sử dụng gluclose ở các tế bào, kích thích phân hủy glucose, từ đó làm giảm nồng độ glucose trong huyết tương ngay cả khi đói và sau bữa ăn ở người bệnh đái tháo đường type II.

Metformin có cơ chế tác dụng khác với các thuốc chống đái tháo đường nhóm Sulfonylurê. Metformin không kích thích các tế bào beta tuyến tụy giải phóng insulin. Nhưng Metformin có tác dụng làm cải thiện liên kết của insulin với thụ thể. Thuốc không có hiệu quả tác dụng hạ đường huyết ở người không bị đái tháo đường.

Ở người đái tháo đường, Metformin làm giảm sự tăng đường huyết nhưng không gây tai biến hạ đường huyết trừ trường hợp nhịn đói hoặc phối hợp thuốc hạ đường huyết hiệp đồng tác dụng.

Dạng thuốc và hàm lượng của Metformin?

Metformin được sản xuất trên thị trường với dạng thuốc và hàm lượng là Viên nén 500mg, 850mg, 1000mg; Viên nén giải phóng kéo dài 500mg, 750mg, 1000mg.

Biệt dược Generic: Metformin Hydrochloride Tablets BP , Biometfor, Métforilex MR, Mustret, Reformin, Glucosix, Diafase, Metformin STADA, Metformin Stella, Glumeform, Fordia, Fordia MR, Nady-anbetiq, Philformin, Metformin Denk, Dhaformet, Flomet, Metomin, BeticapC SR, Metformin Boston, Glucofar, Gricophase, Gricophase, Glucoform, Ozaform, Metozamin, Naformin, Tyrozet, Gluphakaps, Metsav, Metformin Savi, SaVi Metformin, Metformin GSK, Metformin, Metformin Pharbaco, Gludipha, Nalordia, Metformin, Glucofast, Metformin, Mefomid, Pymetphage, Glumiten, Glucofine, Agimfor, pms-Imephase, Meliformin, Metformin (Dược Trường Thọ), Diabesel, Dybis, Metdia, Glufort, DH-Metglu, DH-Metglu XR.

Thuốc Metformin được dùng cho những trường hợp nào?

  • Thuốc Metformin được sử dụng điều trị bệnh đái tháo đường type II không phụ thuộc insulin.
  • Ðiều trị phòng ngừa sự tiến triển thành bệnh đái tháo đường type 2 cho những người có tiền đái tháo đường.
  • Metformin được dùng đơn trị liệu cho bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường khi chế độ ăn kiêng và tập thể dục không đáp ứng để kiểm soát lượng đường trong máu của người bệnh. Metformin là thuốc ưu tiên lựa chọn cho những người bệnh béo phì.
  • Metformin có thể dùng đồng thời với một thuốc điều trị đái tháo dường khác như nhóm Sulfonylurê khi dùng Metformin hoặc Sulfonylurê đơn thuần không có hiệu quả kiểm soát glucose huyết một cách đầy đủ.

Cách dùng - Liều lượng của Metformin?

Cách dùng: Thuốc Metformin dạng viên nén được dùng bằng đường uống với nước lọc, uống trong các bữa ăn để dung nạp thuốc tốt hơn hoặc uống sau bữa ăn.

Liều dùng đơn trị liệu khuyến cáo cho người lớn:

Liều khởi đầu uống 500mg - 850mg/lần x 2 lần/ngày, uống vào các bữa ăn sáng và tối. Sau đó mỗi tuần tăng liều 1 lần, tăng thêm liều 500mg – 850mg / mỗi ngày, tới mức tối đa là 2.500 mg/ngày. Liều tới 2000 mg/ngày, chia làm 2 lần uống trong ngày. Với liều 2500 mg/ngày, chia làm 3 lần uống trong ngày.

Liều duy trì là 850 mg/lần x 2 lần/ngày, uống vào các bữa ăn sáng và tối. Tuỳ theo tình trạng bệnh của người bệnh có thể dùng 850 mg/lần x 3 lần/ngày, uống vào các bữa ăn.

Điều trị kết hợp Metformin và Sulfonylurê đường uống:

Sau 4 tuần dùng đơn Metformin trị liệu với liều tối đa là 2500mg/ngày, người bệnh không đáp ứng, có thể phối hợp Metformin liều tối đa với một Sulfonylurê uống ngay cả khi trước đó đã có điều trị thất bại với một Sulfonylurê.

Sau 3 tháng điều trị phối hợp Metformin và Sulfonylurê mà đáp ứng không thỏa đáng thì chuyển sang dùng Insulin có kèm hoặc không kèm Metformin.

Tóm lại, tuỳ thuộc vào tình trạng, mức độ diễn tiến của bệnh, người bệnh cần tuân thủ theo liều chỉ định, cách sử dụng thuốc và thời gian điều trị của bác sĩ để đảm bảo an toàn và đạt lợi ích tốt nhất.

Cách xử lý nếu quên liều thuốc Metformin?

Nếu người bệnh quên một liều Metformin nên uống ngay khi nhớ ra trong ngày đó. Không dùng liều gấp đôi. Nếu gần đến thời điểm uống của liều tiếp theo, chỉ cần dùng liều tiếp theo vào đúng thời điểm đã lên kế hoạch.

Cách xử lý khi dùng quá liều thuốc Metformin?

Người bệnh dùng quá liều Metformin ít có dữ liệu về độc tính cấp của Metformin, nhưng có thể xuất hiện những triệu chứng là hạ đường huyết quá mức, nhiễm acid lactic.

Xử trí: Nếu người bệnh có bất kỳ biểu hiện bất thường nào do quá liều, phải ngừng thuốc và được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn điều trị triệu chứng thích hợp. Đồng thời dùng biện pháp hữu hiệu như than hoạt tính để loại thuốc ra khỏi đường tiêu hóa.

Những lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Metformin?

Những lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Metformin?

Thuốc Metformin không được dùng cho những trường hợp sau:

  • Người có tiền sử  mẫn cảm với Metformin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Người bệnh có nhiễm khuẩn, trạng thái dị hóa cấp tính, chấn thương (phải được điều trị đái tháo đường bằng insulin).
  • Người suy giảm chức năng thận do bệnh lý về thận, hoặc do rối loạn chức năng thận, hoặc do các bệnh lý như nhiễm khuẩn huyết, trụy tim mạch, nhồi máu cơ tim cấp tính.
  • Người có tình trạng nhiễm acid chuyển hóa cấp tính hoặc mạn tính, có hoặc không có hôn mê (kể cả nhiễm acid – ceton do đái tháo đường).
  • Người có bệnh gan nặng, bệnh tim mạch nặng, bệnh hô hấp nặng với giảm oxygen huyết.
  • Người bị suy tim sung huyết, nhồi máu cơ tim cấp tính, trụy tim mạch.
  • Bệnh phổi thiếu oxygen mạn tính.
  • Nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn huyết.
  • Phụ nữ đang mang thai.
  • Người bệnh chiếu chụp X quang có tiêm sử dụng các chất cản quang có iod.
  • Người nghiện rượu, thiếu dinh dưỡng, hoại thư.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Metformin cho những trường hợp sau:

  • Lưu ý với phụ nữ có thai: Không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai.
  • Lưu ý với phụ nữ cho con bú: Metformin có bài tiết vào sữa mẹ. Không khuyến cáo dùng cho đối tường này.
  • Cần thận trọng với người đang lái xe và vận hành máy móc: Metformin đơn trị liệu không gây hạ đường huyết và do đó không ảnh hưởng đến khả năng lái xe hoặc sử dụng máy móc. Tuy nhiên, người bệnh nhân cần được cảnh báo về nguy cơ hạ đường huyết khi Metformin dùng kết hợp với các thuốc chống đái tháo đường khác (sulphonylureas, insulin, repaglinide).

Thuốc Metformin gây ra các tác dụng phụ nào?

Thương gặp: Đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, phân không bình thường, táo bón, ợ nóng, nhức đầu, ớn lạnh, chóng mặt, yếu cơ, ban ngứa, rối loạn vị giác, khó thở, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.

Ít gặp: Viêm phổi, nhiễm toan lactic, thiếu máu hồng cầu khổng lồ.

Hiếm gặp: Phản ứng da như ban đỏ, ngứa, mày đay, giảm hấp thu vitamin B12, thiếu máu nguyên bào khổng lồ, nhiễm toan lactic.

Trong quá trình sử dụng thuốc Metformin, người bệnh có bất kỳ biểu hiện bất thường nào nghi ngờ rằng do sử dụng thuốc Metformin thì cần xử trí kịp thời theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ Đại học/Cao đẳng Dược để được tư vấn.

Metformin tương tác với các thuốc và thực phẩm nào?

Cephalexin, Cimetidin, các thuốc cản quang có iod: Làm tăng tác dụng và độc tính của Metformin khi được sử dụng đồng thời.

Corticosteroid, hormon giải phóng LH, Somatropin:  Làm giảm nồng độ và tác dụng của Metformin khi được kết hợp chung.

Thuốc ức chế men chuyển như Captopril, Enalapril: Làm giảm nồng độ đường huyết quá mức khi được sử dụng chung.

Thuốc lợi tiểu quai: Làm tăng nguy cơ nhiễm toan lactic do khả năng làm giảm chức năng thận.

Rượu: Làm tăng tỷ lệ nhiễm acid lactic, có thể gây hạ đường huyết quá mức khi được dùng chung trong điều trị bằng Metformin.

Nhìn chung, tương tác thuốc với thuốc hay thuốc với thực phẩm hay rượu bia có thể làm thay đổi hiệu quả điều trị của thuốc hoặc làm tăng tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Khuyến cáo người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng hoặc thông báo cho bác sĩ kê đơn biết những loại thuốc đang dùng, kể cả thực phẩm hay đồ uống có nguy cơ để giúp bác sĩ xem xét kê đơn hợp lý, an toàn và đạt lợi ích trong điều trị.

Tóm lại, Metformin là thuốc được chỉ định điều trị hiệu quả cho các tình trạng đái tháo đường, giúp ngăn ngừa đột quỵ, suy tim, suy thận. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc Metformin, người bệnh cần có tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn và không tự ý dùng thuốc hay ngưng thuốc hoặc tự ý thay đổi liều dùng của thuốc.

Bảo quản Metformin như thế nào?

Metformin được bảo quản thuốc theo hướng dẫn khuyến cáo của nhà sản xuất. Nên bảo quản ở nhiệt độ dưới 30°C, tránh ẩm, tránh ánh nắng mặt trời để đảm bảo giữ chất lượng thuốc.

DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM