Dược sĩ tư vấn những loại kháng sinh thường dùng và hướng dẫn cách dùng thuốc an toàn hiệu quả

Tùy theo nhu cầu và tình trạng bệnh để lựa chọn loại thuốc kháng sinh sử dụng hợp lý, an toàn và đạt hiệu quả tối ưu trong điều trị bệnh.

Ngày 21/04/2022, 02:01:54   Tác giả : Bích Nhuần    Lượt xem: 396

Thuốc kháng sinh được sử dụng trong những trường hợp bệnh nào?

Theo DSCK1. Nguyễn Hồng Diễm giảng viên công tác tại Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết: Thuốc kháng sinh là các loại thuốc có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn hoặc kìm hãm sự phát triển của các loại vi khuẩn gây nên các bệnh lý nhiễm trùng. Mỗi bệnh lý gây ra bởi vi khuẩn thường do một chủng vi khuẩn nhất định. Lựa chọn và sử dụng thuốc kháng sinh đúng bệnh lý được gây ra bởi vi khuẩn một cách hợp lý, an toàn và đạt hiệu quả tối ưu trong điều trị là vấn đề then chốt cho người bệnh và còn ảnh hưởng cả cộng đồng nhân loại.

Sử dụng thuốc kháng sinh điều trị trong những trường hợp bệnh lý nào?

Thuốc kháng sinh không có hiệu quả chống lại virus. Các bệnh lý cảm, cảm cúm, ho, đau họng, viêm phế quản gây ra bởi virus, thì việc dùng thuốc kháng sinh sẽ không có hiệu quả. Vì vậy chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh nếu có bằng chứng lâm sàng hoặc xét nghiệm cho thấy bệnh lý có nhiễm vi khuẩn.

Hầu hết các vi khuẩn sống tự nhiên bên ngoài hoặc bên trong cơ thể người đều không gây hại, một số vi khuẩn có thể có lợi do tham gia vào các quá trình chuyển hóa cũng như bảo vệ cơ thể khỏi các vi khuẩn gây bệnh.

Tuy nhiên, một số vi khuẩn có hại gây ra bệnh lý cho con người thường được lây lan qua những con đường như: Ho và hắt hơi; Tiếp xúc với người nhiễm bệnh; Tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm khuẩn, thực phẩm và nước ô nhiễm; Tiếp xúc với các vật trung gian bị nhiễm bệnh, bao gồm thú nuôi, gia súc và côn trùng (bọ chét và ve).

Các triệu chứng phổ biến của bệnh lý nhiễm vi khuẩn là ho, hắt hơi, sốt, viêm, nôn mửa, tiêu chảy, mệt mỏi và chuột rút.

Những bệnh lý gây ra bởi vi khuẩn như: Nhiễm khuẩn hô hấp trên, nhiễm khuẩn hô hấp dưới, viêm xoang, nhiễm khuẩn tai, nhiễm khuẩn răng, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn tiêu hoá, viêm màng não, nhiễm khuẩn đường niệu, nhiễm khuẩn sinh dục, nhiễm khuẩn xương, nhiễm khuẩn bàng quang và thận...

Những loại thuốc kháng sinh thường sử dụng?

Kháng sinh nhóm Beta-Lactam như: Penicillin, Amoxicillin, Cephalexin,…

Kháng sinh nhóm Aminoglycosid như: Kanamycin, Gentamicin, Tobramycin,...

Kháng sinh nhóm Lincosamid như: Lincomycin, Clindamycin,…

Kháng sinh nhóm Macrolid như: Clarithromycin, Erythromycin, Spiramycin,…

Kháng sinh nhóm Phenicol như: Thiamphenicol, Cloramphenicol,…

Kháng sinh nhóm Cyclin như: Tetracyclin, Doxycyclin, Minocyclin,…

Kháng sinh nhóm Quinolon như: Ciprofloxacin, Ofloxacin, Pefloxacin,..

Kháng sinh nhóm Peptid như: Vancomycin, Fosfomycin, Colistin,…

Kháng sinh nhóm Sulfonamid như: Sufamethoxazole, Sulfasalazine,…

Cách dùng thuốc kháng sinh đúng, an toàn và đạt hiệu quả tối đa

Dược sĩ hướng dẫn cách dùng thuốc kháng sinh đúng và hiệu quả?

Khi người bệnh được kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, điều quan trọng là phải uống thuốc đúng theo chỉ dẫn. Dưới đây là một số lời khuyên từ chuyên gia y tế giúp sử dụng kháng sinh đúng cách an toàn hiệu quả như sau:

- Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi bệnh lý được chẩn đoán thật sự có nhiễm vi khuẩn.

- Phải chọn thuốc kháng sinh phù hợp tình trạng của người bệnh, đặc biệt đối với phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, người cao tuổi, người bị suy giảm chức năng gan thận, tiền sử dị ứng thuốc.

- Cần điều trị kháng sinh đúng với liều lượng quy định và cách dùng.

- Tuân thủ thời gian điều trị bằng thuốc kháng sinh: đúng, đủ, ít nhất là 5 ngày.

- Chỉ nên phối hợp các loại thuốc kháng sinh trong điều trị khi thật sự cần thiết và có ý kiến từ Dược sĩ/Bác sĩ.

- Nếu trong các trường hợp dự phòng nhiễm khuẩn bằng thuốc kháng sinh thì phải sử dụng thật hợp lý.

- Không dùng thuốc kháng sinh của người khác vì có thể không phù hợp với tình trạng bệnh của bạn, làm trì hoãn điều trị đúng và tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.

- Nên dùng kháng sinh đúng với dạng bào chế của nó;

- Chú ý uống thuốc với nước lọc. Nếu uống cùng với nước ép trái cây như bưởi hoặc rượu hoặc sữa chứa canxi, có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thụ một số loại thuốc, có thể làm giảm tác dụng của kháng sinh.

- Dùng đúng thời điểm được quy định trong ngày. Sau khi dùng thuốc kháng sinh, người bệnh có thể phải đợi đến 2 - 3 giờ trước khi ăn hoặc uống bất kỳ sản phẩm sữa nào.

Nhờ ý kiến tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ khi sử dụng thuốc kháng sinh hoặc khi có các tác dụng phụ hay phản ứng không mong muốn xảy ra báo lại ngay với bác sĩ/dược sĩ để xử trí kịp thời.

Nguồn: Y tế Việt Nam