Loại thuốc nào được dùng để điều trị rối loạn kinh nguyệt?

Kinh nguyệt đều đặn là biểu hiện của sức khỏe tử cung và buồng trứng ở phụ nữ. Tuy nhiên, rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt. Vậy thuốc điều trị rối loạn kinh nguyệt là là thuốc nào?

Ngày 05/12/2023, 01:52:12   Tác giả : Bích Nhuần    Lượt xem: 268

Kinh nguyệt là một phần bình thường của quá trình sinh lý ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Chu kỳ kinh nguyệt thông thường kéo dài khoảng 28 ngày, nhưng có thể thay đổi từ 21 đến 35 ngày tuỳ thuộc vào từng cá nhân. Rối loạn kinh nguyệt xảy ra khi chu kỳ kinh nguyệt bị thay đổi, không đều hoặc có các biểu hiện bất thường khác liên quan đến kinh nguyệt.

Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt

Các dạng rối loạn kinh nguyệt thường bao gồm:

  • Mất kinh: Tình trạng không có kinh trong ít nhất ba tháng.
  • Thiểu kinh: Lượng máu kinh ra ít, kéo dài dưới 2 ngày.
  • Rong kinh: Kinh nguyệt ra nhiều, kéo dài.
  • Chảy máu tử cung bất thường: Sự xuất hiện máu hoặc chảy máu giữa các chu kỳ kinh.
  • Đau bụng kinh: Thống kinh thường kèm theo buồn nôn, tiêu chảy, nhức đầu và đau lưng dưới.

Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn kinh nguyệt như căng thẳng, thay đổi cân nặng, các bệnh lý tiềm ẩn như hội chứng buồng trứng đa nang, u tuyến yên, u tuyến thượng thận, cường giáp, suy giáp và các rối loạn nội tiết khác.

Rối loạn kinh nguyệt ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tâm lý và cuộc sống hàng ngày của phụ nữ. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, quan trọng nhất là nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác. Bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm và kiểm tra để xác định nguyên nhân cụ thể và đề xuất phương pháp điều trị thích hợp.

Một số loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị rối loạn kinh nguyệt:

Để điều trị rối loạn kinh nguyệt, phương pháp điều trị được lựa chọn dựa vào nguyên nhân cụ thể của tình trạng. Dược sĩ Cao đẳng Dược chia sẻ dưới đây một số loại thuốc thường được sử dụng:

Thuốc tránh thai đường uống: Trong trường hợp rối loạn kinh nguyệt xuất phát từ các vấn đề nội tiết tố, thuốc tránh thai chứa hormone estrogen và progesterone có thể được đề xuất. Chúng giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, giảm đau và kiểm soát lượng máu kinh.

Thuốc giảm đau: Nếu đau bụng kinh là một trong những triệu chứng chính, thuốc giảm đau như paracetamol hoặc các thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen hay naproxen có thể được sử dụng để giảm đau.

Thuốc sắt: Trong trường hợp ra máu kinh nhiều, việc bổ sung sắt có thể được khuyến khích để tái tạo máu và hỗ trợ chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường.

Thuốc điều trị khác: Đối với các tình trạng nền như hội chứng buồng trứng đa nang, u xơ tử cung hoặc các vấn đề sức khỏe khác, việc điều trị trực tiếp bệnh gốc có thể giúp cải thiện rối loạn kinh nguyệt.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề xuất các phương pháp kết hợp như điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc thay đổi lối sống để giảm thiểu các triệu chứng và hỗ trợ quá trình điều trị.

Dùng thuốc rối loạn kinh nguyệt cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc

Cần lưu ý về các tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị rối loạn kinh nguyệt:

Ví dụ, thuốc tránh thai uống có thể gây buồn nôn, đau vú, tăng cân, đau đầu, tiết dịch âm đạo và ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt. Những loại thuốc này không nên dùng cho người viêm gan, cao huyết áp, tim mạch, phụ nữ mang thai, đang cho con bú, hoặc có triệu chứng đau đầu. Sử dụng rượu và các loại thuốc khác có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc tránh thai. Việc sử dụng thuốc kháng viêm để giảm đau cũng có thể gây ra khó chịu dạ dày, nhức đầu, hoặc chóng mặt. Để giảm thiểu tác dụng phụ, cần thảo luận với bác sĩ để chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe riêng của từng người.

Các nguyên tắc trong điều trị rối loạn kinh nguyệt:

Các nguyên tắc trong điều trị rối loạn kinh nguyệt không chỉ gồm việc sử dụng thuốc mà theo Điều dưỡng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM còn kết hợp với việc thay đổi lối sống để cải thiện chu kỳ kinh nguyệt và sức khỏe tổng thể:

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng: Cần bổ sung đủ vitamin và khoáng chất cần thiết từ các loại thực phẩm đa dạng, đặc biệt là rau xanh và trái cây. Việc tăng cường canxi và carbohydrate trong chế độ ăn uống cũng giúp giảm triệu chứng rối loạn kinh nguyệt.

Hạn chế các chất kích thích: Rượu, caffeine, nicotine, muối và đường có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chu kỳ kinh nguyệt và quá trình rụng trứng. Nên hạn chế hoặc tránh xa các chất này.

Tập thể dục đều đặn: Hoạt động thể chất giúp tăng cường năng lượng, giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ, giúp giảm các triệu chứng liên quan đến rối loạn kinh nguyệt. Cố gắng duy trì ít nhất 30 phút tập thể dục mỗi ngày.

Tình trạng tâm lý cũng ảnh hưởng: Căng thẳng, stress, lo lắng có thể ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng, gây ra rối loạn kinh nguyệt.

Cuối cùng, khi gặp bất kỳ hiện tượng bất thường nào, việc đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị phù hợp là quan trọng. Tránh tự ý sử dụng thuốc theo đơn của người khác hoặc theo các hướng dẫn không đáng tin cậy.

Nguồn: ytevietnam.net.vn