Bệnh Listeriosis ở bà bầu có nguy hiểm không thưa bác sĩ?

Listeriosis là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn mà các bà bầu dễ mắc phải trong quá trình mang thai. Listeriosis có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.

Ngày 26/06/2019, 06:39:45   Tác giả : Văn Quyết    Lượt xem: 824

Vì vậy các mẹ bầu hãy tham khảo bài viết dưới đây để hiểu thêm về căn bệnh Listeriosis này nhé! – Nguyễn Thảo (Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur) tổng hợp.

bệnh Listeriosis (Listeria)
Bệnh Listeriosis (Listeria)

Bệnh Listeriosis là gì?

BS Nguyễn Anh Tú (Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur) cho biết: Listeriosis là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có tên listeria monocytogenes có trong thực phẩm chế biến sẵn, nước bị ô nhiễm và phân động vật. Với phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh sẽ gây ảnh hưởng tới  thai nhi. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến sảy thai, thai nhi chết lưu, sinh non.

Nguyên nhân gây bệnh Listeriosis (Listeria)

Chia sẻ tại mục Tin Y Tế bác sĩ Tú cho rằng nguyên nhân chính gây ra bệnh là do ăn phải thức ăn bị nhiễm vi khuẩn có tên Listeria monocytogenes. Listeria monocytogenes được tìm thấy trong đất và nước và có thể bám vào rau củ sống từ đất hoặc từ phân bón (phân xanh). Listeria còn có thể bám vào thịt sống, sữa và thức ăn chế biến sẵn (như phô mai, thịt nguội, hot dog), thức ăn ôi thiu, đồ uống.

Listeria monocytogenes
Listeria monocytogenes

Phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch kém có nguy cơ cao nhất mắc bệnh Listeria.

Dấu hiệu và triệu chứng của Listeriosis

Biểu hiện của bệnh Listeriosis có một số triệu chứng giống cảm cúm như: Đau đầu, sốt, nôn mửa, tiêu chảy…

Sự nhiễm trùng có thể lan đến hệ thần kinh, gây ra các triệu chứng như: mất cân bằng, đau đầu, cứng cổ, lẫn lộn, co giật. Tuy nhiên, tất cả các triệu chứng, dấu hiệu vừa đề cập không chỉ là dấu hiệu riêng của Listeriosis, mà còn là dấu hiệu của nhiều bệnh khác. Để chắc chắn mình bị bệnh gì, bạn cần đến bác sĩ để được xét nghiệm và chẩn đoán.

Listeriosis và những ảnh hưởng tới bà bầu

Vi khuẩn Listeria monocytogenes có thể ảnh hưởng đến bà bầu và em bé trước và sau khi sinh ra. Vi khuẩn này di chuyển qua nhau thai xâm nhập vào thai nhi và có thể dẫn đến sảy thai, sinh non, thậm chí tử vong ngay sau khi sinh non. Nếu được sinh ra trong trường hợp người mẹ bị nhiễm Listeria, em bé sẽ có thể bị ảnh hưởng viêm màng não, nhiễm trùng mắt, vàng da, viêm phổi.

Cách phòng tránh Listeriosis

  • Listeria có thể phòng tránh được dễ dàng bằng cách nói “không” với những loại thực phẩm dễ bị nhiễm vi khuẩn Listeria mionocytogene như: Các loại sữa và các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng, xúc xích, thịt bò nướng, thịt nguội, lạp xườn, pate (đặc biệt là loại lấy ra từ tủ lạnh), đồ thủy sản hun khói (nhất là đồ được giữ trong ngăn đá), pho mát mềm,…
  • Rửa tay sạch sẽ: Bàn tay là nơi dễ xuất hiện nhiều loại vi khuẩn, nên rửa tay là điều cần thiết để thoát khỏi mầm bệnh. Điều này cần được thực hiện trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi thay tã cho trẻ, trước khi ăn...

Chuẩn bị thực phẩm: Bạn cần rửa tay sạch sẽ trước khi động tay vào thực phẩm trong quá trình chuẩn bị và chế biến. Rửa thịt, rau, củ quả trực tiếp dưới máy nước đang chảy. Dùng thớt riêng để thái, cắt những loại thịt tươi và rau tươi. Luôn dùng thực phẩm tươi, chưa hết hạn, kể cả khi không ngửi thấy mùi hôi từ chúng.

Vi khuẩn Listeria monocytogenes
Vi khuẩn Listeria monocytogenes

Lưu trữ thực phẩm: Cần thận trọng khi lưu trữ thức ăn, vì một số thực phẩm có thể gây ô nhiễm cho nhiều loại khác. Ví dụ, thịt tươi sống phải để riêng với các loại rau và trái cây tươi. Sau khi mua thực phẩm, bạn nên chế biến ngay, không nên để quá lâu sau hai giờ, tránh bị nhiễm khuẩn

Giữ lạnh: Luôn giữ tủ lạnh nhà bạn sạch sẽ và khô ráo. Nhiệt độ lý tưởng để duy trì tủ lạnh là 4oC. Sau khi mua về, cần lưu trữ thực phẩm trong tủ lạnh càng sớm càng tốt, để tránh nhiễm khuẩn.

Với thực phẩm thừa: Cần lưu trữ thực phẩm thừa đúng cách để chống nhiễm khuẩn (cất riêng trong một hộp nhựa, đậy nắp hoặc che màng nilong khi giữ lạnh). Khi ăn, nên hâm nóng lại và ăn ngay sau đó.

Dọn nhà bếp sạch sẽ: Luôn đảm bảo tất cả các bề mặt trong nhà bếp sạch sẽ trước và sau khi chuẩn bị thức ăn. Nếu có thể, bạn nên lau sàn nhà bếp với chất khử trùng để giảm nguy cơ sinh sôi của vi khuẩn.

Theo Tin Y tế 24/7: Nguyễn Thảo (Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur) tổng hợp