Thận trọng bệnh liên cầu khuẩn lợn dịp đầu năm Mậu Tuất 2018

Đây là bệnh lây truyền từ động vật sang người nguy hiểm gây ra bởi liên cầu khuẩn Streptococcus suis (S. suis). Bệnh có diễn biến nhanh và nặng, thời gian điều trị kéo dài và chi phí điều trị tốn hàng trăm triệu đồng mỗi ca nhưng nhiều trường hợp vẫn không thể qua khỏi hoặc có qua khỏi cũng để lại những biến chứng nặng nề.

Ngày 20/02/2018, 02:01:57   Tác giả : Văn Quyết    Lượt xem: 3386

Bộ Y tế cho biết, năm 2017 cả nước ghi nhận 171 ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn, trong đó 14 người tử vong. Bệnh liên cầu khuẩn lợn có các diễn biến như thế nào? Triệu chứng và cách phòng chống bệnh ra sao? Mời bạn đọc xem bài viết dưới đây!

Ăn tiết canh không đảm bảo có thể nhiễm bệnh liên cầu khuần ở lợn
Ăn tiết canh không đảm bảo có thể nhiễm bệnh liên cầu khuần ở lợn

Bệnh liên cầu lợn ngày càng diễn biến phức tạp

Liên cầu lợn là bệnh chuyên khoa nguy hiểm, gồm 3 thể nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ ban đầu nhiễm khuẩn đã nặng. Bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Người từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại bệnh không nên chủ quan.

Bệnh liên cầu lợn ở lợn rất khó phát hiện, thông thường phải thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng mới phát hiện được loại bệnh này. Vi khuẩn liên cầu lợn có khắp nơi trong tự nhiên, ổ chứa chính chủ yếu là lợn nhà (đã thuần chủng).

Cả lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim có thể mang vi khuẩn liên cầu lợn. Những loài động vật này mang theo mầm bệnh nhưng chúng không gây bệnh, nếu có chỉ gây bệnh nhẹ, khi gặp điều kiện thuận lợi chúng mới gây nguy hiểm.

Biểu hiện khi mắc liên cầu lợn là gì?

Bác sĩ Chu Hòa Sơn cho biết, biểu hiện bệnh liên cầu lợn: Khi mắc, người bệnh thường có các triệu chứng sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau như: xuất huyết dưới da theo từng mảng, đôi khi gây hoại tử, kèm theo xuất huyết tiêu hóa, có thể có hôn mê.

Biểu hiện khi mắc liên cầu lợn là gì?
Biểu hiện khi mắc liên cầu lợn là gì?

Thời gian ủ bệnh liên cầu khuẩn rất ngắn, từ vài giờ đến 3 ngày. Thông thường người bị nhiễm vi khuẩn do tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh, lợn chết hoặc ăn tiết canh lợn, thịt lợn bệnh, lợn chết chưa được chế biến ở nhiệt độ đảm bảo.

Con đường lây truyền từ lợn sang người có thể qua vết thương ở da, đường hô hấp, tiếp xúc với máu, các dịch tiết ở lợn bệnh hoặc qua đường ăn uống.

Nếu không được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh có thể tử vong nhanh. Trong Đông Y, các bác sĩ Y học cổ truyền nhận định về việc di chứng mà bệnh để lại: “Cho dù bệnh nhân hồi phục thì bệnh vẫn có thể để lại những di chứng nặng nề như bị ù tai, giảm thính lực, điếc hoàn toàn…”

Cách phòng tránh bệnh liên cầu khuẩn từ lợn sang người

Tin tức y tế trong những tháng đầu năm 2018 cho thấy, việc tiêu thụ thịt lợn phục vụ dịp tết, lễ hội tăng cao. Các chuyên gia khuyên người tiêu dùng, khi lựa chọn thịt lợn, không nên mua thịt có màu đỏ khác thường, xuất huyết vì đó chắc chắn là lợn bị bệnh. Đối với những chủ cơ sở chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ thịt lợn cần phải đeo găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với lợn hoặc thịt lợn bệnh với những vùng có vết thương hở.

Cách phòng tránh bệnh liên cầu khuẩn từ lợn sang người
Cách phòng tránh bệnh liên cầu khuẩn từ lợn sang người

Các chuyên gia y tế tại Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cũng khuyến cáo người dân không được giết mổ lợn ốm, chết; không mổ lợn, chế biến thịt lợn khi có vết thương ở tay, rửa tay sạch sau khi chế biến. Nếu có các dấu hiệu biểu hiện của bệnh liên cầu khuẩn nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám chữa kịp thời.

Nguồn: Y tế Việt Nam