Thuốc điều trị Hội chứng ngủ rũ

Hội chứng ngủ rũ là một rối loạn giấc ngủ kéo dài, hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Việc sử dụng thuốc kết hợp với thay đổi thói quen sống giúp làm giảm các triệu chứng và hạn chế tác động tiêu cực của bệnh.

Ngày 19/03/2025, 01:00:00   Tác giả : Bích Nhuần    Lượt xem: 35

Đa số người mắc hội chứng ngủ rũ gặp khó khăn trong việc duy trì sự tỉnh táo lâu dài. Họ thường xuyên cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày. Cơn buồn ngủ không thể kiểm soát, có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Người bệnh có thể đột ngột buồn ngủ khi đang làm việc, lái xe, hoặc trò chuyện... Tình trạng này gây phiền toái, làm giảm khả năng tập trung và ảnh hưởng đến chất lượng công việc, đặc biệt là rất nguy hiểm khi người bệnh tham gia giao thông.

1. Các loại thuốc có thể sử dụng điều trị hội chứng ngủ rũ

Hội chứng ngủ rũ là một tình trạng mãn tính, nguyên nhân chưa rõ ràng, vì vậy chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Với những bệnh nhân nhẹ, có thể không cần điều trị, chỉ cần thay đổi thói quen sống, điều chỉnh giấc ngủ ban đêm và ngủ trưa.

Người mắc hội chứng ngủ rũ thường buồn ngủ vào ban ngày quá nhiều.

Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc. Dược sĩ, giảng viên trường Cao đẳng Y dược TPHCM chia sẻ cụ thể gồm:

1.1 Thuốc kích thích thần kinh

Các loại thuốc này tác động lên hệ thần kinh trung ương, giúp người bệnh duy trì sự tỉnh táo trong ngày, thường được uống dưới dạng viên nén vào mỗi buổi sáng.

Modafinil: Thường được kê đơn để giảm cảm giác buồn ngủ do các chứng rối loạn giấc ngủ, bao gồm hội chứng ngủ rũ. Modafinil có thể gây loạn nhịp tim và tăng huyết áp, vì vậy cần theo dõi thường xuyên trong quá trình điều trị.

Solriamfetol: Là thuốc kê đơn giúp cải thiện sự tỉnh táo cho người lớn bị buồn ngủ quá mức do chứng ngủ rũ hoặc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA). Trong các thử nghiệm lâm sàng, solriamfetol được dung nạp tốt và giảm đáng kể triệu chứng buồn ngủ quá mức. Các tác dụng phụ phổ biến bao gồm mất ngủ, đau đầu, buồn nôn, giảm cảm giác thèm ăn và tiêu chảy; cần điều chỉnh liều cho bệnh nhân suy thận và không sử dụng ở bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối.

Pitolisant: Thuốc được sử dụng để điều trị tình trạng tê liệt tạm thời ở bệnh nhân mắc hội chứng ngủ rũ, dùng mỗi ngày một lần khi thức dậy. Các tác dụng phụ thường gặp gồm nhức đầu, khó chịu, lo lắng và buồn nôn.

Methylphenidate: Có tác dụng kích thích sự tỉnh táo, điều trị chứng ngủ rũ, rối loạn tăng động giảm chú ý, các bệnh tâm thần và trầm cảm. Tác dụng phụ có thể bao gồm tim đập nhanh, căng thẳng, nhồi máu cơ tim, thay đổi cảm giác thèm ăn và tâm trạng.

1.2 Thuốc ức chế thần kinh

Natri oxybate là một loại thuốc có thể giúp cải thiện tình trạng mất kiểm soát cơ đột ngột và hỗ trợ giấc ngủ vào ban đêm, đồng thời giảm cảm giác buồn ngủ ban ngày. Các tác dụng phụ có thể bao gồm nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt, viêm mũi họng, buồn ngủ, nôn, tiểu không tự chủ và thỉnh thoảng mộng du.

1.3 Thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm đôi khi được sử dụng để điều trị các triệu chứng như mất kiểm soát cơ đột ngột, ảo giác và tê liệt khi ngủ ở người mắc hội chứng ngủ rũ. Một số loại thuốc chống trầm cảm khác nhau đã được áp dụng cho bệnh nhân ngủ rũ, bao gồm:

Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) như fluoxetine, paroxetine.

Chất ức chế tái hấp thu serotonin-noradrenaline (SNRI) như venlafaxine.

Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA), ví dụ như imipramine và clomipramine.

Các tác dụng phụ có thể gặp phải tùy thuộc vào từng loại thuốc, nhưng tác dụng chung của thuốc chống trầm cảm có thể bao gồm: bồn chồn, lo âu, run rẩy; khô miệng, chóng mặt, táo bón, buồn ngủ và rối loạn chức năng tình dục.

Người mắc hội chứng ngủ rũ thường buồn ngủ vào ban ngày quá nhiều.

2. Lưu ý khi sử dụng thuốc

Dược sĩ Cao đẳng dược tphcm lưu ý: Khi sử dụng thuốc, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ về liều lượng, tần suất và thời gian dùng thuốc; tránh uống rượu khi đang điều trị bằng thuốc.

Một số loại thuốc có thể bị ảnh hưởng bởi thực phẩm, do đó cần chú ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và uống thuốc đúng thời gian để tránh các tương tác không mong muốn.

Hầu hết tác dụng phụ thường sẽ cải thiện sau vài tuần sử dụng thuốc. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào đặc biệt gây khó chịu hoặc kéo dài, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ.

Không nên dừng thuốc đột ngột, đặc biệt là thuốc chống trầm cảm, vì có thể gây ra những tác dụng phụ khó chịu khi ngừng thuốc.

Thuốc có thể gây buồn ngủ, vì vậy người bệnh nên tránh thực hiện các công việc đòi hỏi sự tỉnh táo, như lái xe hoặc vận hành máy móc hạng nặng, ít nhất 6 giờ sau khi dùng thuốc.

3. Biện pháp quản lý hội chứng ngủ rũ

Chế độ sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các triệu chứng của hội chứng ngủ rũ. Người bệnh nên duy trì thói quen sinh hoạt sau:

Đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày, kể cả cuối tuần. Điều này sẽ giúp ổn định nhịp sinh học, tạo thói quen cho cơ thể hoạt động như một hệ thống được lập trình.

Tránh sử dụng các chất kích thích như nicotin, cafein, rượu, bia... Đặc biệt là vào chiều tối, vì chúng có thể làm tăng cường các triệu chứng của hội chứng ngủ rũ vào ban ngày.

Tránh sử dụng điện thoại, máy tính, hoặc xem tivi quá lâu trước khi đi ngủ.

Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày: Việc này sẽ giúp duy trì sự tỉnh táo trong ngày và cải thiện chất lượng giấc ngủ vào ban đêm.

Xem thêm tại: ytevietnam.net.vn