Thuốc Amlodipie: công dụng, liều dụng và lưu ý khi sử dụng

Amlodipine là một loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định trong điều trị tăng huyết áp cho đối tượng bệnh phù hợp. Dưới đây là công dụng, liều dùng và lưu ý để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Ngày 03/05/2022, 02:37:23   Tác giả : Bích Nhuần    Lượt xem: 335

Thuốc Amlodipie: công dụng, liều dụng và lưu ý khi sử dụng

DSCK1. Nguyễn Hồng Diễm giảng viên công tác tại Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết: Amlodipine là thuốc có tác dụng kiểm soát chỉ số huyết áp của người bệnh và giữ nó ở mức ổn định, phòng ngừa triệu chứng đau thắt ngực. Tuy nhiên, thuốc Amlodipine chỉ có khả năng giúp cải thiện và ngăn ngừa các triệu chứng cũng như ổn định huyết áp, hoàn toàn không thể điều trị được nguyên nhân gây ra tình trạng huyết áp tăng của người bệnh. Do đó, ngay cả khi huyết áp đã đi vào ổn định, việc dùng thuốc Amlodipine vẫn phải được duy trì đều đặn theo chỉ định của bác sĩ.

Các dạng thuốc của Amodipine

Thuốc Amlodipine được sản xuất trên thị trường với nhiều dạng thuốc và hàm lượng khác nhau như: Viên nang cứng: 5 mg, 10 mg; Viên nén: 2,5 mg, 5 mg, 10 mg; Viên nén bao phim: (Amlodipine 5 mg + Valsartan 160 mg), (Amlodipine 10mg + Valsartan 160 mg), (Telmisartan 80 mg + Amlodipin 5 mg), (Telmisartan 40 mg + Amlodipin 5 mg), (Amlodipine besylate 10 mg + Valsartan 160 mg + Hydrochlorothiazid 12,5 mg), (Amlodipine besylate 10 mg + Valsartan 320 mg + Hydrochlorothiazid 25 mg), (Amlodipine besylate 5 mg + Valsartan 160 mg + Hydrochlorothiazid 12,5 mg).

Amodipine: Liều dùng, chống chỉ định

Liều dùng: Liều dùng Amlodipine cho người lớn thông thường khởi đầu là 5mg x 1 lần/ngày. Nếu sau 4 tuần liều này không hiệu quả (huyết áp không giảm về mức cho phép hoặc cơn đau thắt ngực không được kiểm soát), người bệnh sẽ phải tăng liều dùng lên 10mg hoặc chuyển sang dạng phối hợp với các thuốc khác.

Lưu ý: Hãy dùng thuốc theo đúng liều bác sĩ đã chỉ định, không tự ý thay đổi liều dùng thuốc hay kết hợp với các loại thuốc khác.

Nếu đang sử dụng thêm vitamin tổng hợp và các khoáng chất khác, người bệnh nên giãn cách thời điểm dùng Amlodipine ít nhất 2 tiếng.

Chống chỉ định:

Thuốc Amlodipine không dùng người bệnh đã từng dị ứng với thuốc Amlodipine hoặc dị ứng với các thuốc nhóm chẹn kênh calci (Felodipine; Isradipine; Nicardipine; Nifedipine; Nimodipine).

- Thuốc Amlodipine không dùng cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, vừa mới phát bệnh nhồi máu cơ tim, suy tim điều trị chưa ổn định, suy gan…

Cách dùng thuốc Amlodipine hợp lý, an toàn, hiệu quả?

Thuốc Amodipine gây ra tác dụng phụ nào?

Bên cạnh việc dùng thuốc Amlodipin đúng liều, đúng cách, Dược sĩ Cao đẳng Dược chia sẻ đến người bệnh cần lưu ý thêm một số tác dụng phụ của Amlodipine khi sử dụng.

Các tác dụng phụ thường gặp như: Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đau bụng, khó tiêu, buồn nôn, ngất, bốc hỏa, đỏ bừng mặt, tim đập nhanh, đánh trống ngực, khó thở, sưng mắt cá chân, chuột rút. Những tác dụng phụ này xảy ra ở khoảng 1/100 người sử dụng Amlodipine. Đa phần các tác dụng phụ nêu trên đều nhẹ và chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Trường hợp các tác dụng phụ xảy ra trong thời gian kéo dài hơn một vài ngày, hãy liên hệ đến dược sĩ/bác sĩ chuyên môn để được hỗ trợ.

Các tác dụng phụ ít gặp như: Đau bụng dữ dội, tiêu chảy ra máu, buồn nôn/nôn và ốm yếu, da vàng, mắt vàng, đau ngực mới xuất hiện hoặc nặng hơn, nổi hồng ban, ngứa, đau cơ, đau khớp, tim đập bỏ nhịp (ngoại tâm thu), hạ huyết áp quá mức. Tỷ lệ gặp các tác dụng phụ này là dưới 1/10.000 người. Tuy nhiên do mức độ nghiêm trọng của chúng, hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn gặp phải.

Cách bảo quản Amodipine tại nhà

Bạn nên bảo quản Amlodipine ở nơi khô ráo và thoáng mát, tránh tác dụng trực tiếp từ nguồn nhiệt và xa tầm với của trẻ nhỏ. Dạng thuốc viên có thể để ở nhiệt độ thường nhưng dạng hỗn dịch nên bảo quản ở tủ lạnh.

Không sử dụng thuốc khi thuốc đã hết hạn sử dụng hoặc bị để hở ngoài không khí trong một thời gian dài dẫn đến thay đổi màu sắc và hình dạng của thuốc.

Thuốc Amlodipine có tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Người bệnh không nên ăn bưởi hoặc uống nhiều nước ép bưởi khi dùng Amlodipine. Vì bưởi làm tăng nồng độ Amlodipine trong máu của người bệnh, từ đó làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ như gây bốc hỏa, phù ngoại biên, nhức đầu, tim đập nhanh, hạ huyết áp có triệu chứng và trong một số trường hợp có thể gây nhồi máu cơ tim nhưng hiếm.

Với rượu, mặc dù người bệnh không cần tránh tuyệt đối nhưng rượu có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp của Amlodipine và làm người bệnh buồn ngủ, chóng mặt hoặc đau đầu. Nếu điều này xảy ra, tốt nhất bạn nên ngừng uống rượu khi đang dùng Amlodipine.

Y tế Việt Nam