Sàng lọc sơ sinh đem lại những lợi ích gì?

Sàng lọc sơ sinh là một giải pháp y khoa được thực hiện nhằm chủ động phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh tật, rối loạn chuyển hóa. Vậy những lợi ích mà sàng lọc sơ sinh đem lại là gì?

Ngày 28/11/2019, 04:22:30   Tác giả : Văn Quyết    Lượt xem: 1321

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi chuyên gia y tế Nguyễn Thảo – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM 2020 tại Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur HCM.

Sàng lọc sơ sinh là gì?
Sàng lọc sơ sinh đem lại những lợi ích gì?

Sàng lọc sơ sinh là gì?

Sàng lọc sơ sinh là việc xét nghiệm sàng lọc ngay sau khi sinh trong vòng 48 giờ bằng cách đo thính lực, nhĩ lượng và lấy máu gót chân của trẻ nhằm tầm soát phát hiện sớm các bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hóa, nội tiết và các bệnh tật bẩm sinh như: thiếu men G6PD, thiểu năng trí tuệ, tăng tuyến thượng thận bẩm sinh, suy giáp bẩm sinh, tan máu bẩm sinh…

Sàng lọc sơ sinh được thực hiện bằng biện pháp nào?

Sàng lọc sơ sinh thường được thực hiện nhờ các biện pháp sau:

  • Lấy máu gót chân

Chia sẻ tại tin tức y tế, chuyên gia cho biết: Xét nghiệm máu gót chân sẽ giúp phát hiện một số bệnh tuy ít gặp nhưng lại gây nguy hiểm lớn đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Từ đó bác sỹ sẽ đưa ra giải pháp điều trị kịp thời, giúp giảm thiểu tối đa những biến chứng gây khuyết tật hoặc tử vong. Với trẻ sinh đủ tháng và cân nặng sẽ được lấy máu trong vòng 48 giờ sau sinh, đối với bé sinh non, nhẹ cân thì lấy máu gót chân trước ngày thứ 20. Trẻ sẽ được lấy 2 giọt máu ở gót chân cho vào giấy thấm, để khô, sau đó mẫu máu sẽ được gửi tới trung tâm xét nghiệm. Sau 24 -72 giờ sẽ có kết quả.

  • Đo thính lực, nhĩ lượng và phản xạ cơ bàn đạp

Những trẻ sinh non với cân nặng sơ sinh thấp, trong ba tháng đầu mẹ mắc các bệnh truyền nhiễm, viêm màng não mủ, gia đình có người bị nghe kém bẩm sinh hoặc tiến triển... có nguy cơ cao bị mắc các dị tật về thính lực. Tuy nhiên, khi trẻ được phát hiện mất thính lực muộn (từ 2-3 tuổi) đã có thể phải gánh chịu những khuyết tật vĩnh viễn, không thể sửa chữa được về khả năng phát âm, phát triển ngôn ngữ và nhận thức so với các trẻ bình thường. Nhưng nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, những trẻ này hoàn toàn có khả năng hồi phục.

Lấy máu gót chân
Lấy máu gót chân

Đo thính lực, nhĩ lượng và phản xạ cơ bàn đạp giúp đánh giá sức nghe của trẻ cũng như phát hiện khả năng tổn thương của tai giữa. Nếu kết quả không đạt sau lần đo thứ 2 (cách lần thứ nhất từ 10-30 ngày), bác sĩ sẽ lên phương án khắc phục sớm.

Lợi ích của sàng lọc sơ sinh là gì?

Lợi ích của sàng lọc sơ sinh là giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường, giảm số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ. Những lợi ích cụ thể của việc sàng lọc sơ sinh như sau:

  • Đối với trẻ sơ sinh và gia đình: Sàng lọc sơ sinh giúp phát hiện sớm, can thiệp sớm các bệnh tật và các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh. Từ đó sẽ giúp giảm thiểu số trẻ sinh ra mắc một số khuyết tật, bệnh bẩm sinh, khiếm thính, mắc bệnh chuyển hóa, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, phòng tránh những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực.
  • Đối với cộng đồng: Sàng lọc sơ sinh giúp tiết kiệm chi phí điều trị và chi phí nuôi nấng do khi mắc các bệnh bẩm sinh trẻ không còn khả năng đi học được và không thể làm việc tạo ra thu nhập cho gia đình và xã hội khi đến tuổi trưởng thành. Mặt khác, lợi ích của sàng lọc sơ sinh cũng giúp tiết kiệm chi phí chăm sóc đặc biệt do hậu quả bệnh tật chậm phát triển thể chất và tâm thần gây nên. Hơn nữa, đây cũng là cách để giảm đi lo lắng, gánh nặng cho gia đình có trẻ bị bệnh qua tham vấn, điều trị, phát hiện sớm bệnh và phòng ngừa tai biến xuất hiện đồng thời đảm bảo các em bé sơ sinh ngày càng khỏe mạnh hơn.

Theo http://ytevietnam.net.vn/ tổng hợp