Những loại thuốc điều trị viêm phế quản

Viêm phế quản là tình trạng viêm ở các ống dẫn khí vào phổi, gây ra cơn ho kéo dài. Viêm phế quản cấp tính thường do virus và thường tự khỏi. Viêm phế quản mạn tính thường không thể khỏi hoàn toàn nhưng có thể được kiểm soát.

Ngày 16/04/2025, 01:55:36   Tác giả : Bích Nhuần    Lượt xem: 75

1. Nguyên nhân gây viêm phế quản

Hầu hết mọi yếu tố gây kích ứng đường thở đều có thể dẫn đến viêm phế quản. Các nguyên nhân gây viêm phế quản có thể là do nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng, bao gồm:

- Virus: Các loại virus có thể gây viêm phế quản bao gồm cúm, virus hợp bào hô hấp (RRV), adenovirus, rhinovirus (virus gây cảm lạnh thông thường) và coronavirus,…

- Vi khuẩn: Một số vi khuẩn gây viêm phế quản như Bordetella pertussis, Mycoplasma pneumonia và Chlamydia pneumonia.

- Ô nhiễm không khí

- Hút thuốc lá…

Ho dai dẳng từ một đến ba tuần là triệu chứng chủ yếu của viêm phế quản. Người bệnh có thể ho có đờm hoặc ho khan, đôi khi nghe thấy tiếng huýt sáo hoặc khò khè khi thở (thở khò khè).

Người viêm phế quản ho kéo dài, chảy nhiều nước mũi.

Một số triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Khó thở
  • Sốt
  • Chảy mũi
  • Mệt mỏi…

2. Viêm phế quản được điều trị như thế nào?

Viêm phế quản cấp tính thường không cần điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể dùng thuốc để giảm triệu chứng hoặc điều trị nguyên nhân gây bệnh. Theo Dược sĩ, giảng viên tại Cao đẳng Y dược TPHCM – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur chia sẻ cụ thể gồm:

2.1 Thuốc kháng virus

Nếu viêm phế quản do cúm, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng virus như Tamiflu… Việc sử dụng thuốc kháng virus càng sớm khi triệu chứng xuất hiện sẽ giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng hơn.

Tác dụng phụ phổ biến nhất của Tamiflu là đau đầu, buồn nôn và nôn. Những triệu chứng này thường xuất hiện trong 2 ngày đầu sử dụng thuốc và có mức độ nhẹ.

2.2 Thuốc giãn phế quản

Viêm phế quản mạn tính là tình trạng viêm niêm mạc phế quản kéo dài, gây ra sự tăng tiết dịch nhầy, dẫn đến ho và khạc đờm liên tục hoặc tái phát ít nhất ba tháng trong năm và kéo dài ít nhất hai năm.

Khó thở (thở khò khè) là triệu chứng phổ biến nhất của viêm phế quản mạn tính. Nguyên nhân là do sự hẹp của đường thở trong phổi, khiến quá trình trao đổi khí trở nên khó khăn hơn. Do đó, thuốc giãn phế quản có tác dụng làm giãn các cơ trơn quanh phế quản, mở rộng đường thở, giúp không khí di chuyển dễ dàng vào các phế nang hơn.

Có ba nhóm thuốc giãn phế quản thường được sử dụng, bao gồm:

  • Nhóm đồng vận beta-2 (với tác dụng ngắn như salbutamol, fenoterol và tác dụng dài như salmeterol, bambuterol, formoterol).
  • Nhóm kháng cholinergic như ipratropium.
  • Nhóm methylxanthines như theophylline.

Tác dụng phụ: Thuốc giãn phế quản đôi khi có thể gây ra các tác dụng phụ, mặc dù chúng thường nhẹ và kéo dài trong thời gian ngắn. Cụ thể, nhóm đồng vận beta-2 có thể gây run rẩy, đặc biệt ở tay; căng thẳng thần kinh; đau đầu, hồi hộp; chuột rút cơ bắp. Nhóm kháng cholinergic có thể gây khô miệng, táo bón, ho, đau đầu, buồn nôn… Các tác dụng phụ chính của nhóm methylxanthines như theophylline bao gồm buồn nôn và nôn, tiêu chảy, hồi hộp, nhịp tim nhanh, đau đầu, mất ngủ…

2.3 Thuốc chống viêm

Bác sĩ có thể chỉ định corticosteroid và các loại thuốc khác để giảm tình trạng viêm.

2.4 Thuốc ức chế ho

Các loại thuốc ức chế ho, có thể là thuốc không kê đơn hoặc theo đơn (thuốc chống ho), giúp làm giảm ho dai dẳng, ví dụ như dextromethorphan, benzonatate...

Dùng thuốc kháng viêm để giảm kích ứng do dịch nhầy.

2.5 Thuốc kháng sinh

Trong phần lớn các trường hợp, thuốc kháng sinh không có tác dụng chữa viêm phế quản, vì khoảng 95% viêm phế quản do virus gây ra, nên kháng sinh không thể tiêu diệt virus. Chỉ nên sử dụng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ và khi nhiễm trùng là do vi khuẩn.

2.6 Điều trị COPD/hen suyễn

Đối với người mắc COPD hoặc hen suyễn, bác sĩ có thể áp dụng thêm thuốc hoặc các phương pháp điều trị hô hấp để hỗ trợ điều trị viêm phế quản mạn tính.

3. Những lưu ý khi sử dụng thuốc

Dược sĩ Cao đẳng dược tphcm lưu ý về tác dụng phụ:

Có nhiều loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm phế quản, mỗi loại có những tác dụng phụ riêng biệt. Do đó, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc để hiểu rõ các tác dụng không mong muốn. Nếu gặp phải, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.

Một số thuốc giãn phế quản cần được sử dụng qua đường hít, vì vậy cần thực hiện đúng cách để thuốc phát huy hiệu quả tối ưu.

Sử dụng thuốc đúng liều lượng, đúng thời gian và đúng phương pháp.

Tái khám theo lịch hẹn với bác sĩ để điều chỉnh liều lượng hoặc thuốc khi cần thiết.

4. Cách phòng ngừa viêm phế quản

Cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ viêm phế quản là tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh do virus và các yếu tố kích thích phổi.

Các biện pháp cụ thể để giảm nguy cơ bao gồm:

  • Hạn chế tiếp xúc với những người có thể bị bệnh hoặc đang bị bệnh.
  • Tránh khói thuốc và các chất kích thích khác.
  • Nếu bạn mắc hen suyễn hoặc dị ứng, hãy tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng (như vật nuôi, bụi, phấn hoa…).
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm: Không khí ẩm giúp giảm nguy cơ kích ứng phổi.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng dung dịch khử trùng tay có chứa cồn.
  • Cập nhật thông tin về vaccine phòng ngừa cúm, viêm phổi và COVID-19

Xem thêm tại: ytevietnam.net.vn