Hướng dẫn sơ cứu bệnh nhân ngạt nước đúng cách, an toàn

Trẻ bị ngạt nước nếu không được sơ cứu kịp thời và đúng cách thì sẽ dẫn đến tử vong, tìm hiểu về phương pháp xử trí khi trẻ bị ngạt nước là việc cha mẹ cần làm.

Ngày 02/04/2018, 02:46:35   Tác giả :     Lượt xem: 1642

Ngạt nước là tai nạn thường gặp ở trẻ em, đặc biệt trẻ trai và trẻ dưới 4 tuổi. Nước vào đường thở làm co thắt thanh môn vì thế khoảng 10% trẻ ngạt nước không có hít nước vào phổi. Sau đó nước vào phổi làm thay đổi surfactan gây xẹp phổi, phù phổi, suy hô hấp, thiếu oxy não, dẫn đến phù não và tăng áp lực nội sọ và rối loạn nhịp, ngừng tim tử vong.

Hướng dẫn sơ cứu bệnh nhân ngạt nước đúng cách, an toàn

Hướng dẫn sơ cứu bệnh nhân ngạt nước đúng cách, an toàn

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Hữu Định – Giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur đề cung cấp những kiến thức bổ ích cho các bạn xung quanh vấn đề ngạt nước.

Hỏi: Thưa Bác sĩ, Bác sĩ có thể cho biết nguyên tắc điều trị ngạt nước là gì và khi bị ngạt nước cần được xử lý như thế nào?

Trả lời:

Nguyên tắc điều trị:

  • Hồi sức tim phổi cơ bản.
  • Hỗ trợ hô hấp.
  • Điều trị triệu chứng và biến chứng.
  • Phòng ngừa và điều trị bội nhiễm.
  • Sơ cứu ban đầu
  • Nhanh chóng vớt bệnh nhân khỏi nước. Ngay khi vớt khỏi mặt nước lập tức thực hiện hồi sức cơ bản: Thổi ngạt, ấn tim. Không tốn thời gian cho việc sốc nước. Động tác hồi sức cơ bản phải được tiến hành tiếp tục trên đường vận chuyển. Cố định cột sống cổ nếu nghi chấn thương cột sống cổ kèm theo.

Hỏi: Cần đưa người bị ngạt nước đến nhập viện trong các trường hợp nào?

Trả lời:

Các trường hợp cần nhập viện: Bệnh nhân tím tái, ngừng thở khi vớt lên. Có hồi sức cơ bản ngay khi vớt lên. Thời gian chìm trong nước lâu kéo dài trên 1 phút. Suy hô hấp, hôn mê.

Hỏi: Ngạt nước được chia thành các mức độ như thế nào?

Trả lời:

Điều trị tại bệnh viện bệnh nhân được phân làm 3 mức độ:

  • Bệnh nhân tỉnh, hồng hào, không khó thở, phổi không ran SpO2 >95%: Nằm nghiêng tránh hít sặc do nôn ói. Kháng sinh chỉ cho khi nghi ngờ nguồn nước bị nhiễm bẩn hoặc có dấu hiệu viêm phổi. Kháng sinh được chọn là Cefotaxim TM. Do có khả năng xuất hiện phù phổi trong vòng 24 giờ đầu gây suy hô hấp thứ phát, nên cần được theo dõi tại bệnh viện ít nhất trong vòng 4-6 giờ.
  • Bệnh nhân tỉnh kèm khó thở (thở nhanh, co lõm ngực), có ran phổi SpO2 92-95%: Nhập cấp cứu. Cung cấp oxygen, duy trì SaO2 ≥ 95%. Thở CPAP qua mũi nếu thất bại oxy, hoặc phù phổi. Kháng sinh Cefotaxim TM. Đặt sonde dạ dày. Ủ ấm. Theo dõi sát nhịp thở, tình trạng suy hô hấp, sốc để can thiệp kịp thời.
  • Bệnh nhân hôn mê có hoặc không ngừng thở: Nhập cấp cứu, hồi sức. Thông đường thở.
  • Hỗ trợ hô hấp: Cho thở oxy duy trì SaO2 92-96%. Thở CPAP nếu thất bại với oxy hoặc phù phổi. Đặt nội khí quản giúp thở khi ngừng thở, thất bại CPAP. Hút sạch đờm, dịch ở ống nội khí quản nếu có. Bóp bóng hoặc thở máy với PEEP từ 4-10 cm H2O (sử dụng PEEP là yếu tố quan trọng cải thiện tình trạng thiếu oxy).

Bệnh nhân bị ngạt nước cần được sơ cứu đúng cách và an toàn

Bệnh nhân bị ngạt nước cần được sơ cứu đúng cách và an toàn

Điều trị phù phổi (nếu có):

  • Nằm đầu cao.
  • Thở NCPAP.
  • Dobutamin.
  • Lợi tiểu.

Điều trị sốc: Sốc phần lớn hồi phục sau khi hồi sức hô hấp. Đặt nội khí quản, thở máy tất cả trường hợp sốc do ngạt nước. Sốc nếu không hồi phục sau khi hồi sức hô hấp phần lớn là sốc giảm thể tích, tuy nhiên phải đo CVP để chẩn đoán phân biệt sốc tim và quyết định điều trị, tránh quá tải phù phổi. Giữ CVP từ 7 – 10 cm H2O. CVP thấp < 5 cm H2O hoặc không đo được CVP kèm không dấu hiệu quá tải: truyền Lactated Ringer 20 ml/kg/giờ (không phân biệt ngạt nước ngọt hoặc nước mặn), nếu thất bại truyền cao phân tử. CVP bình thường hoặc cao (có thể kết hợp với siêu âm đánh giá chức năng co bóp thất trái): Thuốc tân dược vận mạch hoặc tăng sức co cơ tim Dopamin, Dobutamin.

Đặt sonde dạ dày: Mục đích là lấy bớt dịch dạ dày để giảm hít sặc, chướng bụng và giảm nguy cơ nhiễm trùng tiêu hóa trong trường hợp nước bẩn.

Điều trị phù não nếu có.

Điều trị khác:

  • Điều chỉnh Natri máu, đường huyết.
  • Điều trị co giật.

Điều trị toan máu: Không dùng thường quy, chỉ sử dụng khi toan chuyển hóa nặng pH < 7,1 và sau khi thông khí tốt.

  • Ủ ấm.
  • Kháng sinh: Do nguy cơ nhiễm trùng phổi gram âm cao trong các trường hợp nặng nên cho kháng sinh phổ rộng Cefotaxim.
  • Lọc máu khi suy thận cấp thất bại điều trị nội khoa.
  • Điều trị tổn thương phối hợp nếu có (chấn thương sọ não, cột sống…).
  • Theo dõi: Theo dõi tri giác, nhiệt độ, mạch, huyết áp, nhịp thở, monitoring nhịp tim, SaO2 , CVP (nếu có sốc), mỗi giờ đến khi ổn định và sau đó mỗi 2 giờ trong ít nhất 24 giờ.

Hỏi: Ngạt nước có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nào?

Trả lời:

Hơn phân nửa trẻ ngạt nước được cứu sống chỉ với hồi sức cơ bản tại nơi xảy ra tai nạn. Tại bệnh viện khoảng 70% trẻ được hồi sức phục hồi hoàn toàn và 25% sống có di chứng. Ngạt thở, thiếu oxy và tổn thương do thiếu tưới máu.

  • Não: Thiếu oxy não, phù não, tăng áp lực nội sọ, hôn mê co giật di chứng não.
  • Tim: Rối loạn nhịp tim, sốc. Suy thận cấp, đông máu nội mạch lan tỏa.
  • Quá tải dịch: Rối loạn điện giải. Tán huyết cấp, phù phổi.
  • Tổn thương phổi: Phù phổi, ARDS. Viêm phổi hít.
  • Hạ thân nhiệt: Tiên lượng tùy thuộc vào thời gian chìm trong nước và biện pháp sơ cứu.
  • Các yếu tố tiên lượng nặng: Trẻ nhỏ < 3 tuổi. Thời gian chìm trong nước lâu > 5 phút. Hôn mê sâu, sau khi được hồi sức hô hấp.

Sơ cứ bệnh nhân bị ngạt nước

Sơ cứ bệnh nhân bị ngạt nước

Hỏi: Vậy chúng ta cần chú ý điều gì để tránh trường hợp trẻ bị ngạt nước?

Trả lời:

Chúng ta cần hết sức lưu ý giám sát kỹ trẻ khi tắm hồ bơi, tắm biển. Rào chắn hồ ao, đậy dụng cụ chứa nước sinh hoạt trong gia đình. Nên tập bơi cho trẻ. Hướng dẫn các động tác sơ cứu ngừng thở ngừng tim cho mọi người trong gia đình.

Hy vọng với những chia sẻ trên của Bác sĩ tại Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur chúng ta đã có thêm những kiến thức bổ ích để biết cách xử trí khi gặp người bị ngạt nước cũng như biết cách phòng để trẻ không bị ngạt nước.

Nguồn: Ytevietnam.net.vn