Tìm hiểu về phương pháp “đẻ không đau”

Đẻ không đau là phương pháp gây tê ngoài màng cứng để giảm đau cho các bà mẹ khi sinh con tuy nhiên không phải bà bầu nào cũng được dùng phương pháp này để giảm đau

Ngày 27/07/2019, 07:12:13   Tác giả : Văn Quyết    Lượt xem: 1125

Tìm hiểu về phương pháp “đẻ không đau”
Tìm hiểu về phương pháp “đẻ không đau”

Gây tê ngoài màng cứng là gì?

Khi sinh con, các sản phụ sẽ trải qua cơn đau đẻ với ngưỡng chịu đựng khác nhau, cơn đau tăng dần và đạt tối đa khi thai nhi di chuyển vào xương chậu của người mẹ khiến các bà mẹ cảm thấy đau dữ dội và nhiều người không chịu đựng nổi. Khi này nhiều bà mẹ lựa chọn phương pháp đẻ không đau. Phương pháp này thực chất là một kỹ thuật gây tê được thực hiện để giảm cơn co thắt tử cung, thường được thực hiện khi cổ tử cung đã mở được 3-8cm hoặc có thể thực hiện sớm hơn khi sản phụ đau nhiều hoặc người mẹ có bệnh lý hoặc có những trường hợp dùng phương pháp này khi cổ tử cung đã mở trên 8cm nhưng thai nhi chưa xuống quá sâu khung chậu của mẹ.

Gây tê ngoài màng cứng là gì?
Gây tê ngoài màng cứng là gì?

Bác sĩ gây mê hồi sức sẽ là người thực hiện kỹ thuật này bằng cách luồn một ống thông rất nhỏ vào khoang ngoài màng cứng ở cột sống lưng, ống thông sau đó được cố định dọc theo lưng về phía vai của sản phụ. Khi này, thuốc tê sẽ được truyền liên tục qua ống thông để trực tiếp ngăn cản quá trình dẫn truyền thần kinh do đó mà sản phụ không cảm thấy hoặc giảm cảm giác đau sau khi bơm thuốc tê khoảng 10 phút. Tuy nhiên khi tiêm một liều thuốc tê vào ống thông để giảm đau ngoài màng cứng thì chỉ có khả năng duy trì trong 45-70 phút, do đó để duy trì tác dụng giảm đau của mẹ bầu, người ta sẽ truyền thuốc tê liên tục thông qua bơm truyền tự động hoặc cho sản phụ sử dụng bơm tiêm tự bơm, sản phụ sẽ chủ động bơm thuốc khi sản phụ thấy đau. Sau khi dừng thuốc, tác dụng gây tê sẽ mất dần sau 1-3 giờ tuỳ thuộc vào liều dùng.

Những nguy cơ khi dùng phương pháp “đẻ không đau”

Mặc dù phương pháp này được nhiều sản phụ lựa chọn nhưng không phải ai cũng được chỉ định phương pháp này. Với những người có tiền sử bị rối loạn đông máu, người có bệnh lý về thần kinh, người có bệnh lý cột sống như thoát vị đĩa đệm, vẹo cột sống, đau thần kinh toạ, người đang bị chảy máu sẽ không được giảm đau ngoài màng cứng. Khi gây tê ngoài màng cứng, sản phụ sẽ cảm thấy khó chịu tạm thời do huyết áp hạ, đôi khi sản phụ cảm thấy run và ngứa. Do tác dụng của thuốc tê nên hai chân sản phụ sẽ tê và cảm giác nặng, khó nhấc lên được hoặc có thể xuất hiện bí tiểu khiến sản phụ phải đặt sonde tiểu. Mặc dù thuốc không ảnh hưởng đến thai nhi nhưng có thể gây ra nhưng tác dụng phụ cho mẹ sau khi đã hết tác dụng của thuốc tê. Trong đó, đau lưng sau tiêm thuốc là tác dụng phụ mà nhiều sản phụ lo lắng nhất. Theo quan điểm của y học hiện đại, gây tê ngoài màng cứng không gây ra đau lưng cho sản phụ mà đau lưng xuất hiện do quá trình mang thai cột sống cũng như dây chằng cột sống của người mẹ bị giãn để giữ thai nên sau sinh mới có cảm giác đau lưng.

Những nguy cơ khi dùng phương pháp “đẻ không đau”
Những nguy cơ khi dùng phương pháp “đẻ không đau”

Nếu do hậu quả của thuốc tê thì tác dụng phụ này cũng mất đi sau 48 giờ. Ngoài đau lưng, sản phụ có thể bị đau đầu do mũi kim gây tê đâm thủng màng cứng, để khắc phục tình trạng này sản phụ cần được nghỉ ngơi, uống nhiều nước và dùng thuốc giảm đau.

Đẻ không đau bằng tiêm ngoài màng cứng là một phương pháp xâm lấn. Với những sản phụ sinh thường muốn đỡ đau mà không tiêm ngoài màng cứng có thể tự giảm đau bằng cách di chuyển nhiều trong quá trình chuyển dạ, chườm ấm vùng lưng, vùng háng hoặc massege nhẹ nhàng để giảm bớt căng thẳng, giúp kiểm soát đau.

Theo Lê Ngoan tổng hợp tại Tin Y Tế Việt Nam