Nhiễm độc thai nghén là gì?

Nhiễm độc thai nghén (ốm nghén) trong 3 tháng đầu thai kỳ là một tình trạng bệnh lý, thường xảy ra từ tháng thứ nhất tới tháng thứ 3 trong quá trình mang thai. Vậy nhiễm độc thai nghén là gì?

Ngày 01/07/2019, 07:09:38   Tác giả : Văn Quyết    Lượt xem: 1196

Hiện nay, nhiều mẹ bầu vẫn quan niệm ốm nghén là một hiện tượng bình thường khi mang thai. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh lý trở nặng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người mẹ và thai nhi nên các mẹ bầu nên lưu ý.

 

Nhiễm độc thai nghén là gì?
Nhiễm độc thai nghén là gì?

1. Thế nào là nhiễm độc thai nghén ?

Sau khi mang thai, đa số các thai phụ thường tăng tiết nước bọt, buồn nôn để báo hiệu cho cơ thể biết mình đã có thai (dân gian còn gọi là ốm nghén). Tuy nhiên có thể ảnh hưởng tới sinh hoạt của thai phụ thì được gọi là nhiễm độc thai nghén nhẹ (nôn nhẹ),nếu nôn nặng hơn, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ và thai nhi thì được gọi là nhiễm độc thai nghén nặng. Hầu như các hiện tượng trên sẽ mất đi vào tháng thứ ba của thai kỳ

Nguyên nhân gây bệnh:

Danh từ “Nhiễm độc thai nghén” xuất phát từ quan niệm chính sự phát triển của thai nhi trong tử cung đã “gây độc” cho cơ thể người mẹ.

-Có thể quá trình mang song thai, đa thai làm gia tăng lượng hormone HCG do thai nhi tiết ra làm thai phụ buồn nôn và nôn nhiều.

-Cơ thể người mẹ coi thai nhi là một “protein lạ” đối với cơ thể, hệ miễn dịch của thai phụ sẽ phản ứng gây dị ứng, buồn nôn và nôn.

Triệu chứng nôn thường xảy ra vào buổi sáng, khi ngửi thấy mùi thức ăn hay nghĩ về mùi vị của thức ăn. Lúc này, thể trạng của thai phụ gầy yếu, xanh xao, sút cân, thiếu máu và mệt mỏi do nôn nhiều, không ăn được. Ngoài ra, nôn nhiều có thể dẫn tới đau bụng do các cơ dạ dày bị kích thích khi nôn. Và nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì thai phụ có thể tiến triển sang tình trạng nặng hơn.

2. Dấu hiệu của nhiễm độc thai nghén 3 tháng đầu thai kỳ

2.1. Bệnh nôn nhẹ:Ban đầu, bạn sẽ cảm thấy nhạt miệng, khó chịu và muốn ăn một loại thức ăn nào đó. Thai phụ sẽ thay đổi khẩu vị như sợ cơm, thèm chua hay bất kỳ một loại thức ăn bất thường nào đó.Thai phụ mệt mỏi, có cảm giác buồn nôn vào buổi sáng

2.2. Bệnh nôn nặng

Bệnh nôn nặng được chia làm 3 giai đoạn khác nhau

Giai đoạn nôn và suy kiệt

Giai đoạn này kéo dài từ 4 tới 6 tuần. Thai phụ nôn vào sàng sớm, liên quan tới bữa ăn, có thể tiến tới nôn suốt ngày, đang ngủ cũng phải dậy để nôn, do nôn nhiều, cơ thể thai phụ gầy mòn, hốc hác, mất nước dẫn tới rối loạn chất điện giải và rối loạn pH trong máu. Những dấu hiệu này cho thấy mẹ đã nhiễm độc thai nghén ở thể nhẹ và cần chăm sóc sức khỏe bản thân.

Nhiễm độc thai nghén có nguy hiểm không
Nhiễm độc thai nghén có nguy hiểm không?

Giai đoạn rối loạn chuyển hóa

Giai đoạn này khoảng 2 – 3 tuần. Thai phụ nôn nhiều và gần như là liên tục (Còn gọi là nôn khan vì trong dạ dày không còn gì để nôn). Thể trạng thai phụ: gầy gò, má lõm, mắt lõm, suy kiệt nặng…, mạch đập nhanh 100 – 120 nhịp/phút. Tinh thần thai phụ bất ổn: lo lắng, sợ hãi, bi quan, lo cho thai nhi trong bụng, lo cho bản thân mình…

Giai đoạn bất thường thần kinh

Đây là hậu quả của mất nước, rối loạn chất điện giải, rối loạn pH trong máu và suy dinh dưỡng kéo dài. Dấu hiệu nôn khan gần như không còn, thai phụ lâm vào cảnh tuyệt vọng, tinh thần hốt hoảng, có khi thai phụ bị hôn mê, mê sảng và co giật. Thở gấp 40 – 50 nhịp/phút, mạch đập nhanh trên 120 nhịp/phút và người mẹ có thể tử vong trong tình trạng này. Đây là dấu hiệu nguy hiểm nhất khi mẹ bị nhiễm độc thai nghén trong thời gian dài

3. Phương pháp xử lý nhiễm độc thai nghén 3 tháng đầu thai kỳ

3.1 Đối với các trường hợp nghén nhẹ

Khi bị nghén nhẹ ở giai đoạn đầu, các mẹ bầu nên nên ăn nhẹ, chia nhỏ bữa ăn trong ngày và ăn đồ ăn nguội để tránh kích thích dạ dày. Có thể dùng thuốc an thần và thuốc chống nôn theo chỉ định của bác sĩ nhưng phải thật sự hạn chế, không lạm dụng thuốc. Có thể dùng thuốc an thần và thuốc chống nôn theo chỉ định của bác sĩ.

3.2 Đối với các trường hợp nghén nặng

Đối với các trường hợp nghén nặng nên gặp bác sĩ để tư vấn và điều trị nôn nghén kịp thời để tránh các diễn tiến nặng hơn. Thai phụ tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để bù nước, bổ sung dinh dưỡng và nâng cao thể trạng.Nên gặp bác sĩ để tư vấn và điều trị kịp thời khi có dấu hiệu nghén nặng để tránh các diễn tiến nặng hơn

4. Phòng bệnh

Vì chưa biết được nguyên nhân rõ ràng và cụ thể của nhiễm độc thai nghén 3 tháng đầu thai kỳ, nên các thai phụ cần thường xuyên theo dõi và quản lý thai nghén tốt. Khi mang thai, phụ nữ nên chú ý ăn đầy đủ chất dinh dưỡng một cách hợp lý (đường, đạm, vitamin, khoáng chất…).

Trên đây là những kiến thức cơ bản về nhiễm độc thai nghén 3 tháng đầu. Tình trạng thai nghén có thể là một bệnh lý nguy hiểm vì gây nhiều biến chứng cho người mẹ và thai nhi. Nếu mẹ bầu đang gặp phải dấu hiệu nôn nhiều thì nên tới các cơ sở y tế để được xét nghiệm, kiểm tra chính xác tình trạng sức khỏe, để tránh những ảnh hưởng không mong muốn tới sức khỏe của mẹ và bé.

Theo Bác sĩ Phạm Hữu - Trường CĐ Y dược Pasteur chia sẻ