Dịch cúm A hoành hành, cần làm gì để phòng tránh?

Cúm A H3N2 nguy hiểm này có thể tấn công bất kỳ ai, đặc biệt khả năng cao dễ mắc bệnh là ở người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm.

Ngày 19/12/2019, 09:07:59   Tác giả : Văn Quyết    Lượt xem: 755

Chuyên gia y tế tại Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur Tp.HCM cho biết, thời tiết mùa đông - xuân độ ẩm, nhiệt độ rất thuận lợi cho các loại virus, đặc biệt là virus cúm phát triển. Trẻ chỉ có chỉ định nhập viện trong trường hợp cúm gây viêm phổi, hoặc có tình trạng suy hô hấp, khó thở, mệt mỏi hoặc cúm gây viêm nhiễm đường hô hấp nặng hoặc mắc cúm trên một số cơ địa mắc bệnh lý mạn tính nào đó.


Dịch cúm A diễn biến phức tạp

Hiện nay ở Việt Nam loại cúm phổ biến nhất vẫn là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B. Khi bị bệnh cúm, trẻ có thể tự khỏi sau 3 - 5 ngày nên có thể điều trị tại nhà nhưng cần được chăm sóc cẩn thận, tránh nhiễm vi khuẩn khác. Chỉ khi có dấu hiệu nặng, như viêm phổi, suy hô hấp hoặc bị cúm trên nền bệnh khác, ví dụ hen phế quản mới phải nhập viện điều trị.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ huynh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh hay thuốc kháng virus Tamiflu khi trẻ mắc cúm mùa thông thường.

 

Bệnh cúm A nguy hiểm như thế nào?

Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch..., bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Vào dịp cuối năm, nhu cầu đi lại, giao thương và sử dụng thịt gia cầm tăng cao đây cũng là thời điểm được cảnh báo là nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H7N9 có khả năng lan rộng, tỷ lệ tử vong cao. Tuy ở Việt Nam đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào mắc, nhưng thời điểm này các biện pháp phòng tránh cần đặt lên hàng đầu vì trong bối cảnh hiện nay, dịch cúm gia cầm trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.


Tiêm phòng vắc-xin phòng cúm A

Theo tin tức y tế tổng hợp, hàng năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó có 3 triệu đến 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 đến 500 nghìn người tử vong.

Tại Việt Nam, trong 10 năm gần đây hàng năm ghi nhận khoảng từ 1 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên. Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông và mùa xuân.

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, virus có biến đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao. Vì vậy giải pháp quan trọng vẫn là tuyên truyền biện pháp chủ động phòng ngừa, không sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc.

 

5 Bước chủ động phòng cúm được chuyên gia y tế chia sẻ

  1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
  2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
  3. Tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh.
  4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
  5. Khi có dấu hiệu ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Nguồn: http://ytevietnam.net.vn tổng hợp