Cùng tìm hiểu về dị tật tai nhỏ bẩm sinh

Dị tật tai nhỏ bẩm sinh là khiếm khuyết trong hình thành vành tai, ống tai ngoài và tai giữa, gây ảnh hưởng đến thính giác và thẩm mỹ.

Ngày 04/01/2020, 06:22:48   Tác giả : Văn Quyết    Lượt xem: 567


Dị tật tai nhỏ bẩm sinh

Phân loại dị tật tai nhỏ bẩm sinh

Hình dạng tai ngoài tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của dị tật, có kèm theo hay không với sự kém phát triển khung sọ mặt. Dị tật này cũng bị ảnh hưởng đến phát triển tâm lý của trẻ, ví dụ như trẻ có thể rơi vào tình trạng mặc cảm, gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội và trong sinh hoạt hàng ngày.

Bệnh chuyên khoa tổng hợp, dị dạng tai nhỏ có nhiều mức độ khác nhau từ dị dạng từng phần đến dị dạng phức tạp và thậm chí không vành tai. Thường có 4 mức độ dị tật tai nhỏ bẩm sinh, cụ thể là dị tật tai nhỏ bẩm sinh độ I với biểu hiện tai hơi nhỏ nhưng có thể phân biệt được các phần của tai. Dị tật tai nhỏ bẩm sinh độ II là mức độ nhỏ hơn 1/2 hoặc 2/3 so với tai lành, cấu trúc tai bất thường nhưng cũng còn phân biệt được các phần của tai. Dị tật tai nhỏ bẩm sinh độ III khi có biến dạng tai nặng hình hạt đậu. Mức độ IV là mức nặng nhất với biểu hiện không có tai.

dị tật tai nhỏ bẩm sinh
Dị tật tai nhỏ bẩm sinh ở trẻ nhỏ

Hướng khắc phục dị tật tai nhỏ bẩm sinh

Để khắc phục có thể tạo hình bằng vành tai giả tức là vành tai được tạo hình hoàn toàn bằng silicon và gắn vào bên tai bằng keo dán hoặc bằng kỹ thuật cấy ghép. Khuyết điểm của phương pháp này là vành tai không có cảm giác và giá thành tai giả cao, dễ phai màu nên sau 2 - 5 năm phải thay lại cái mới khác. Hoặc khung vành tai nhân tạo là sử dụng chất liệu nhân tạo thay thế khung sụn vành tai, được bao lại bằng vạt cân - cơ thái dương và ngoài cùng phủ mảnh da ghép. Phương pháp này có khuyết điểm là nguy cơ nhiễm trùng cao, dễ bị thải ghép mặc dù tỉ lệ thấp, dễ sang chấn kém hồi phục, tỉ lệ hoại tử vạt da ghép cao. Sụn tự thân là tạo hình tai nhỏ bằng sụn sườn tự thân đến nay vẫn được xem là tiêu chuẩn vàng. Ưu điểm: chất liệu tạo hình phù hợp của chính cơ thể, ít nguy cơ nhiễm trùng và thải ghép. Khuyết điểm: tai biến hay di chứng của lấy sụn sườn như tràn khí, tràn máu màng phổi, đau sau mổ, sẹo thành ngực. Nuôi cấy sụn tự thân trên môi trường nhân tạo là một kỹ thuật hứa hẹn, giá thành cao.

Bên cạnh đó cần lưu ý một số vấn đề như lứa tuổi phù hợp nhất cho phẫu thuật này là từ 6 tuổi trở lên. Bệnh nhân được kiểm tra thính lực và cấu trúc tai ngoài, tai giữa nhằm đánh giá chính xác toàn bộ các dị tật. Quá trình tạo hình được chia làm 2 thì mổ, cách nhau 3 - 6 tháng. Sau mổ, bệnh nhân được theo dõi và xử trí kịp thời các biến chứng nếu có.

Theo Tin Y Tế Việt Nam 2020 tổng hợp