Bệnh thoái hóa niêm mạc dạ dày có nguy hiểm không?

Thoái hóa niêm mạc dạ dày là một bệnh thường gặp đa dạng về lâm sàng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trong đó có tiền ung thư và ung thư.

Ngày 19/06/2020, 05:28:02   Tác giả : Bích Nhuần    Lượt xem: 862

Thoái hóa niêm mạc dạ dày

Hình ảnh loét dạ dày

Nguyên nhân gây thoái hóa niêm mạc dạ dày

Theo bác sĩ giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng Hà Nội – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, có nhiều nguyên nhân gây thoái hóa niêm mạc dạ dày như:

  • Do tuổi tác cao, cơ thể chịu các tác nhân cơ học, hóa học, nhiệt học như thói quen ăn uống không tốt, nhiều đồ quá nóng quá lạnh, cứng, nhai không kỹ...;
  • Do sự lan truyền của các ổ viêm nhiễm như viêm hạch hạnh nhân, viêm xoang, viêm dạ dày, viêm túi mật;
  • Do sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, sulfamide, iodosalicylate, indometacine, quinine...;
  • Do sự thay đổi kéo dài chức năng vận động và tiết dịch vị dạ dày vì rối loạn hoạt động thần kinh thực vật;
  • Do rối loạn nội tiết như tăng hoạt động tuyến thượng thận, tăng hoạt động tuyến giáp trạng, bệnh myxoedeme;
  • Do rối loạn chuyển hóa, dị ứng, thiếu oxy trong suy giảm tuần hoàn, thiếu vitamin, yếu tố tự miễn dịch... và cả vai trò của thần kinh cao cấp.

Chẩn đoán thoái hóa niêm mạc dạ dày bằng cách nào?

Thoái hóa niêm mạc dạ dày có khá nhiều nguyên nhân gây ra nên việc chẩn đoán lâm sàng khá phức tạp. Theo bác sĩ tư vấn bệnh chuyên khoa, việc chẩn đoán lâm sàng chỉ có thể dựa vào một số triệu chứng chung như:

  • người bệnh có cảm giác nặng nề ở vùng bụng, đau vùng thượng vị, cơn đau lúc thì âm ỉ lúc thì dữ dội nhất là sau khi ăn hoặc uống chất kích thích;
  • người bệnh có triệu chứng nóng rát trong dạ dày, ợ hơi hoặc ợ chua, buồn nôn và nôn, đầy hơi, ăn mất ngon, bị táo bón hoặc tiêu chảy bất thường;
  • người bệnh hay hồi hộp, xúc động, có khi có dấu hiệu ngoại tâm thu;
  • cơ thể gầy sút, thiếu máu...

Chẩn đoán cận lâm sàng: Các bác sĩ thực hiện bằng một số phương pháp lấy dịch vị ở những thời điểm khác nhau như lấy dịch vị khi còn đói, sau khi rửa dạ dày, sau bữa ăn có thực đơn đặc biệt, sau khi uống hoặc tiêm các chất kích thích tiết dịch vị như caffein, histamin, insulin...

Các bác sĩ, giảng viên Cao đẳng Dược cho biết, các phương pháp chụp Xquang bao gồm cả phương pháp chụp với chất cản quang, bơm hơi phúc mạc chỉ có thể phát hiện một cách khái quát hình ảnh niêm mạc, những biến đổi về nhu động và trương lực dạ dày.

Đối với phương pháp chẩn đoán bằng đồng vị phóng xạ, phương pháp đánh dấu hồng cầu... cho phép xác định lượng hấp thụ vitamin B12, lượng yếu tố nội tại, dấu hiệu chảy máu niêm mạc dạ dày trong quá trình thoái hóa.

Đối với phương pháp xét nghiệm phân, chụp ảnh dạ dày, siêu âm, chẩn đoán tế bào học dịch vị cũng góp phần phát hiện được tổn thương niêm mạc dạ dày trong quá trình thoái hóa.

Hiện nay với sự phát triển của phương pháp nội soi với ống soi mềm, kỹ thuật sinh thiết phát hiện bệnh bằng kính hiển vi và kính hiển vi điện tử đã giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán bệnh thoái hóa niêm mạc dạ dày.

Chẩn đoán và điều trị thoái hóa niêm mạc dạ dày

Chẩn đoán và điều trị thoái hóa niêm mạc dạ dày

Phương pháp điều trị bệnh thoái hóa niêm mạc dạ dày

Theo Tin tức Y tế, để xác định phương pháp điều trị thoái hóa niêm mạc dạ dày, trước hết cần dựa vào tình hình bệnh cảnh thực tiễn của từng người bệnh, kết hợp điều trị triệu chứng với điều trị căn nguyên, kết hợp y học hiện đại và y học dân tộc cổ truyền.

Phương pháp điều trị nội khoa cần căn cứ vào đặc điểm của từng người bệnh. Bảo vệ niêm mạc dạ dày bằng muối bismuth như: bismuth subnitrat, bismuth aluminat, bismuth cacbonat. Bismuth subnitrat mang lại hiệu quả tốt nhất nhưng thường có tác dụng phụ là gây nhức đầu và có thể có biến chứng nguy hiểm do tác dụng chuyển hóa nitrat thành nitrit của vi khuẩn đường ruột. Chính vì thế không được dùng liều cao và kéo dài nhiều ngày.

Hình thành sẹo, chống viêm, chống phù nề bằng cách sử dụng các vitamin như vitamin C, vitamin A, vitamin U, vitamin nhóm B,...

Ngăn chặn rối loạn bài tiết và trung hòa dịch vị, ngoài việc tránh sử dụng các chất kích thích như: chè đặc, cà phê, rượu, thuốc lá...

Điều trị dự phòng:

Cần phát hiện sớm những tổn thương từ giai đoạn đầu để điều trị sớm và đúng hướng. Hàng ngày cần sinh hoạt điều độ, tránh làm việc quá sức, tránh căng thẳng thần kinh kéo dài, có chế độ ăn uống phù hợp, đảm bảo vệ sinh, tránh ăn những đồ ăn cứng, nhiều xơ, quá lạnh hoặc quá nóng, tránh sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà đặc, rượu bia, gia vị kích thích. Ngoài ra không ăn nhanh, vừa ăn vừa làm việc, hoặc lao động nặng ngay sau khi ăn, vận dụng và phối hợp với các liệu pháp thể dục, dưỡng sinh, xoa bóp,... để từng bước nâng cao sức khỏe toàn diện, điều trị kịp thời những ổ viêm nhiễm, nhất là những bộ phận có liên quan trực tiếp đến tiêu hóa như mũi, họng, răng, miệng, túi mật.

Nguồn: Y tế Việt Nam tổng hợp từ Sức khỏe đời sống.