Luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng Ban pháp chế Trường Đại học Lương Thế Vinh cho biết: Bộ Y tế đã có công văn số 3861/BYT-K2ĐT gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về các điều kiện tổ chức đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe của Trường Đại học Lương Thế Vinh theo quy định tại Nghị định số 111/2017/NĐ-CP của Chính phủ và chương trình đào tạo ngành Y học cổ truyền trình độ đại học được ban hành theo Quyết định số 12/QĐ-ĐHLTV ngày 18 tháng 02 năm 2023 của Hiệu trưởng Trường Đại học Lương Thế Vinh;
Quyết định số 2509/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Trường Đại học Lương Thế Vinh đào tạo ngành y học cổ truyền trình độ Đại học, mã số 7720115;
Căn cứ khoản 2 Điều 15 Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định về văn bằng, chứng chỉ giáo dục đại học đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học bao gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ, được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo quy định tại Điều 14 Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định trình độ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù;
Căn cứ Thông tư số 27/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học;
Căn cứ Điều 2 Thông tư 19/2011/TT-BGDĐT về mẫu bằng tốt nghiệp đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn ghi đối với ngành y ghi Bằng Bác sĩ;
Do vậy, Bằng tốt nghiệp đại học ngành y học cổ truyền, mã ngành 7720115 do Trường Đại học Lương Thế Vinh cấp cho người học sẽ ghi danh hiệu là Bác sĩ Y học cổ truyền.
Bằng Bác sĩ Y học cổ truyền của các Trường đại học tư thục có được Bộ Y tế xét cấp Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền hay không?
Luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng Ban pháp chế Trường Đại học Lương Thế Vinh cho biết: Theo quy định hiện nay thì bằng cấp của các Trường Đại học công lập, Đại học tư thục có giá trị như nhau. Cụ thể tại Khoản 4, Điều 12 Luật Giáo dục 2019, số 43/2019/QH14 14/06/2019 quy định “Văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau.”
Do vậy, căn cứ theo điều 28 Luật khám chữa bệnh 2009 và Điều 7 Thông tư số 41/2011/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề thì Bầng Bác sĩ Y học cổ truyền của các Trường Đại học trong hệ thống giáo dục Việt Nam đều được xét cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại điều 24 Luật khám chữa bệnh 2009 quy định về xác nhận quá trình thực hành, yêu cầu người có văn bằng chuyên môn là Bác sỹ trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề, phải qua thời gian 18 tháng thực hành tại bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh.
Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề y học cổ truyền
Bước 1. Cá nhân chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân và các thông tư hướng dẫn.
Bước 2. Nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Văn phòng Sở Y tế.
- Khi đến nộp hồ sơ, cá nhân xin cấp chứng phải xuất trình chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân.
- Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Vào giờ hành chính các ngày trong tuần (trừ ngày lễ nghỉ).
Bước 3. Công chức tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:
+ Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy hẹn cho cá nhân, tổ chức.
+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì công chức tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn để cá nhân, tổ chức hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Bước 4. Công chức chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền giải quyết và trả kết quả theo giấy hẹn.
Bước 5. Cá nhân, tổ chức nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa thuộc Văn phòng Sở Y tế
Hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề Bác sĩ y học cổ truyền bao gồm:
- Đơn đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề y học cổ truyền (tự viết), kèm 2 ảnh 4x6:
- Bản sao hợp pháp các chứng chỉ và bằng cấp chuyên môn.
- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của UBND nơi cư trú hoặc thủ trương cơ quan.
- Giấy khám sức khoẻ.
- Giấy xác nhận đã qua thực hành ở cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền hợp pháp.
- Bản cam kết.
- Bản photo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.
- Thời hạn giải quyết: 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. (Lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh: 150.000 đồng/chứng chỉ quy định tại Quyết định số: 44/2005/QĐ - BTC ngày 12/7/2005 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí thẩm định kinh doanh thương mại có điều kiện thuộc lĩnh vực y tế)./.