Sao nỡ bắt bệnh nhân ung thư chi trả cho thuốc giả và tiền hoa hồng?

Bệnh nhân ung thư đã chịu sự cùng quẫn về cả vật chất, tinh thần và thể xác. Sao còn bắt họ chi trả hơn 9.000 hộp thuốc giả và 7,5 tỷ đồng tiền hoa hồng?

Ngày 26/08/2017, 03:31:03   Tác giả : Trang Minh    Lượt xem: 1219

Tin tức y tế mới nhất khẳng định số tiền dùng để mua thuốc ung thư giả của Công ty CP VN Pharma và chia 7,5 tỷ đồng hoa hồng cho các đối tượng liên quan đều từ “túi” của bệnh nhân ung thư. Điều này khiến dư luận hết sức phẫn nộ, trong đó có  thầy trò Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Cần minh bạch để bác sĩ không bị đánh đồng

Vụ việc Công ty VN Pharma mua tới 9000 hộp thuốc H-Capita để dành cho bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên toàn bộ số thuốc này là giả được công ty lập hồ sơ khống từ nhà sản xuất tới tên thuốc để hợp thức hóa nhập về Việt Nam đưa vào các bệnh viện để điều trị cho bệnh nhân ung thư đã và đang gây bức xúc cho dư luận.

Bác sĩ Phan Đình Hiệp hiện đang làm việc ở Melbourne –Úc rất bức xúc trước thông tin VN Pharma đưa hẳn 9000 hộp thuốc trị ung thư được làm giả một cách bài bản vào Việt Nam.

Bác sĩ Hiệp cho biết, bệnh nhân ung thư đã quá thiệt thòi, nhất là Việt Nam khi điều kiện điều trị chưa được tốt, chi phí trang trải quá cao vậy mà có những người kinh doanh và quản lý ngành dược nỡ lòng nào nhập thuốc giả về để điều trị cho chính bệnh nhân ung thư.

Theo hồ sơ vụ án thể hiện Ngô Anh Quốc (phó tổng giám đốc VN Pharma) đã chỉ đạo nhân viên chi hoa hồng cho các bác sĩ tại bệnh viện, để bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân các loại thuốc do Công ty VN Pharma nhập khẩu. Quá trình điều tra, Ngô Anh Quốc đã giao nộp cho cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền hoa hồng với số tiền lên đến khoảng 7,5 tỉ đồng.

Các bị can đều khai mục đích việc nâng khống giá thuốc trên hợp đồng nhập khẩu thuốc để lấy tiền chi phí cho việc bán thuốc vào các bệnh viện. Các khoản chi phí này đều không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Khoản tiền này cũng không được VN Pharma thể hiện ở sổ sách.

Với số tiền này, BS Hiệp cho rằng chính quyền cần làm rõ để làm minh bạch trong y tế để người dân được nhờ.

Những nhân viên y tế nào nhận tiền hoa hồng cũng cần phải được tìm ra và tùy mức độ xử lý.

Bởi nếu không, người dân sẽ đánh đồng là toàn bộ hệ thống y tế đều ăn chia trên tính mạng của người dân. Trong khi còn có rất nhiều những thầy thuốc vất vả và có lương tâm chưa lún vào vũng bùn của những kẻ lừa lọc, tàn nhẫn gây ra.

Có tìm được không?

Nhiều người nói là nếu không có hồ sơ sổ sách thì khó truy cứu trách nhiệm nhân viên y tế nào đã dính vào vụ việc. Theo bác sĩ Hiệp thì có 2 vấn đề cần lưu ý:

Thứ nhất: Có người chi thì phải có người nhận. Câu hỏi đặt ra ai có lương tâm để nói, để nhận tội hay vẫn cứ dối trá cho qua.  Những kẻ như vậy không thấy thẹn trong lòng, không thấy sự tàn nhẫn, không xứng đáng làm thầy thuốc hay sao? Mong những người liên quan hãy lên tiếng, đó cũng được coi là đoái công giảm tội.

Thuốc giả mang đến nhiều hệ lụy khôn lường

Thuốc giả mang đến nhiều hệ lụy khôn lường

Thứ hai: Với vụ việc thế này cơ quan điều tra ngoại trừ việc họ không chịu làm tới nơi tới chốn chứ thừa sức tra cứu các nguồn thông tin, đối chứng, đối chất. Điều tra từ chủ doanh nghiệp, xuống trình dược viên, và cứ thế thì nhân viên y tế sẽ bị gọi tên. Điều tiếp theo sẽ là, nhân viên y tế này có đủ dũng cảm để nhận sai, hay chối bay chối biến… Cái này cần sự đánh giá của cơ quan luật pháp cũng như lương tâm, sự trung thực và trách nhiệm của đương sự.

Câu chuyện bác sĩ nhận hoa hồng không phải lạ ở Việt Nam. BS Hiệp cho rằng, ai cũng biết điều kiện kinh tế của nhiều bác sĩ ở Việt Nam còn eo hẹp, nhưng không phải vì khó khăn kinh tế mà phải kiếm những đồng tiền trên máu xương bệnh nhân như thế.

Việc nhận hoa hồng từ doanh nghiệp đã chứng tỏ 3 hệ lụy: Thứ nhất ở mức cá nhân là sự tham lam, mong có thu nhập, mất nhân tính, lương tri, muốn làm giàu bất chính miễn vơ vét cho cá nhân.

Thứ hai làm mất chuẩn mực y đức. Điều quan trọng là đã không giúp được bệnh nhân thì thôi, vậy sao còn nỡ lòng nào để bệnh nhân phải chạy vạy chi trả cho những thứ không đúng và làm điều trị của người thầy thuốc khác cũng bị ảnh hưởng theo (điều trị đúng nguyên tắc mà sai thuốc thì làm sao khỏi bệnh và ảnh hưởng đến kết quả sức khỏe/sinh mạng của người bệnh).

Thứ ba là làm tha hóa xã hội, làm rối loạn lòng tin của người dân vào hệ thống y tế, đội ngũ thầy thuốc, những người nắm quyền ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Đây cũng là một trong những điểm làm tăng nguy cơ bạo hành y tế.

Thông tin về vụ ung thư giả đang làm chấn động thị trường thuốc tân dược Việt Nam trong những ngày qua cũng là tin y tế được nhiều người quan tâm.

Nguồn theo Báo Infonet