Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu có phải bệnh lý hay không?

Khi ngủ trẻ sơ sinh xuất hiện nhiều mồ hôi trên cơ thể gây ướt áo, tình trạng này kéo dài khiến không ít bậc cha mẹ lo lắng vì không biết phải làm sao.

Ngày 01/08/2019, 08:42:47   Tác giả : Văn Quyết    Lượt xem: 2287

Bạn ngắm con đang chìm vào giấc ngủ ngon nhưng chợt phát hiện đầu con rịn nhiều mồ hôi và tình trạng này kéo dài nhiều ngày khiến bạn không khỏi lo lắng vì sợ con đang gặp tình trạng bệnh lý. Thật ra, đa số trẻ sơ sinh đều gặp phải tình trạng đổ mồ đầu khi ngủ một cách bình thường. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ đổ mồ hôi là dấu hiệu của tình trạng bệnh lý, cùng tìm hiểu để biết rõ nguyên nhân của vấn đề này nhé.

Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu có phải bệnh lý hay không?

Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu có phải bệnh lý hay không?

Nguyên nhân trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu

Tin vui dành cho bạn là trong hầu hết trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu thực sự không có điều gì phải lo lắng trong quá trình nuôi dạy trẻ. Một số nguyên nhân cụ thể bao gồm:

Hệ thần kinh của trẻ chưa hoàn thiện

Hệ thần kinh có nhiệm vụ là mang thông điệp từ não, tủy sống đến các bộ phận khác của cơ thể và ngược lại. Hệ thần kinh cũng kiểm soát nhiệt độ cơ thể.

Tuy nhiên, ở trẻ sơ sinh hệ thần kinh vẫn chưa phát triển hoàn toàn sau khi bé chào đời. Do vậy, bộ phận này chưa thể điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của bé nhịp nhàng giống như người lớn, từ đó gây ra hiện tượng trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu.

Vị trí tuyến mồ hôi của trẻ

Với người lớn, các tuyến mồ hôi không hạn chế ở một phần trên cơ thể. Nhưng với trẻ sơ sinh thì khác, bé chưa có nhiều tuyến mồ hôi ở nách và khu vực khác, vì vậy các tuyến mồ hôi hoạt động mạnh nhất lại nằm trên đầu. Điều này khiến trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu những lúc ngủ do không đủ sự thông thoáng hoặc bé ít cử động.

Trẻ đang bú

Trong khi cho trẻ bú, mẹ và bé được giữ 1 tư thế cố định hoặc thuận lợi nhất cho việc bú sữa. Khi đó, cánh tay của bạn sẽ liên tục truyền hơi ấm sang cho bé và khiến trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu.

Nhiệt độ quá nóng

Bạn đổ nhiều mồ hôi khi cảm thấy quá nóng bức. Tương tự vậy, trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu có thể do thời tiết và nhiệt độ trong phòng khá cao. Một số gia đình quan niệm phải cho trẻ sơ sinh mặc những bộ đồ dày, che chắn cơ thể từ đầu đến chân. Hơn nữa, còn đắp thêm cho con chăn, thậm chí không bật quạt hay điều hòa dù cho thời tiết oi bức, từ đó khiến con cảm thấy nóng bức, đổ mồ hôi thay vì ấm áp.

trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu có thể do thời tiết và nhiệt độ trong phòng khá cao
Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu có thể do thời tiết và nhiệt độ trong phòng khá cao

Tốt nhất, bạn nên cho con mặc quần áo có chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi và không quá dày. Nếu sợ con lạnh, bạn có thể dùng thêm một chiếc chăn thoáng mỏng. Trong lúc trẻ ngủ, bạn nên kiểm tra xem con có đang đổ mồ hôi đầu hay không nhé. Nếu cho con nằm máy lạnh, bạn nên điều chỉnh nhiệt độ khoảng 26 – 27°C và không hướng thẳng vào người bé.

Khi nào trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu là bất thường?

Tuy bé đổ mồ hôi đầu khi ngủ thường không có gì phải lo lắng nhưng vẫn có một vài tình trạng bạn cần lưu ý để phòng các trường hợp xấu xảy ra:

Vấn đề về tim bẩm sinh

Ngoài dấu hiệu đổ mồ hôi đầu khi ngủ, bạn còn thấy bé ra mồ hôi quá nhiều trong các hoạt động đơn giản như khi đang bú. Lúc này, bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ nhi khoa, vì đây có thể là triệu chứng của bệnh tim bẩm sinh. Bệnh này là kết quả của việc phát triển khiếm khuyết của tim ở thai nhi. Những em bé mắc bệnh này thường đổ mồ hôi nhiều hơn những em bé khác vì tim phải làm việc rất vất vả để hoàn thành nhiệm vụ bơm máu.

Tăng tiết tuyến mồ hôi

Nếu bạn thấy rằng ngay cả trong một căn phòng lạnh, có điều hòa, bé vẫn đổ mồ hôi đầm đìa thì có thể bé gặp tình trạng tăng tiết tuyến mồ hôi. Tăng tiết tuyến mồ hôi bao gồm quá trình trẻ sơ sinh đổ mồ hôi nhiều quá mức cần thiết cho việc duy trì nhiệt độ cơ thể ở mức bình thường.

Ngoài ra, hiện tượng này rất phổ biến cho những người đổ mồ hôi tay và bàn chân. Đây không phải là vấn đề đặc biệt cần điều trị bằng thuốc. Khi bé lớn lên, bạn có thể dạy con cách kiểm soát tuyến mồ hôi (dùng lăn khử mùi, mặc áo thấm hút mồ hôi…) để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

Ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ là một lý do khác khiến trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu. Tình trạng này phổ biến hơn đối với các bé sinh non, đi kèm cùng những hiện tượng như màu da hơi xanh, thở khò khè và ngừng thở đến 20 giây, từ đó khiến con yêu cảm thấy rất khó chịu.

Đột tử ở trẻ sơ sinh

Nhiều bố mẹ thường bỏ qua mối nguy hiểm khi để em bé quá nóng. Tuy nhiên, điều này có thể khiến bé chìm vào một giấc ngủ sâu và rất khó đánh thức, từ đó dẫn đến hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

Một số tình trạng khác

Dù hiện tượng trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu khá phổ biến và không phải là nguyên nhân gây lo ngại, nhưng nếu ra mồ hôi quá nhiều, bạn cũng không nên xem thường tình trạng này. Đổ mồ hôi đầu cũng có thể là dấu hiệu cho vấn đề với hệ thần kinh, hệ hô hấp, tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc rối loạn di truyền.

Nếu nghi ngờ, bạn nên cẩn thận và kiểm tra tình trạng của con. Các tình trạng được đề cập ở trên thường hiếm khi xảy ra. Vì vậy, đừng quá hoảng loạn nếu thấy trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu bạn nhé.

Nguồn: http://ytevietnam.net.vn