Bật mí chế độ dinh dưỡng giúp phòng tránh táo bón cho trẻ

Táo bón là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ và thường có nguyên nhân chính từ chế độ ăn uống không hợp lý.

Ngày 11/08/2017, 06:54:34   Tác giả :     Lượt xem: 2212

Hiện tượng táo bón xảy ra khá phổ biến với trẻ nhỏ. Tình trạng này chủ yếu là do cách ăn uống của trẻ còn chưa phù hợp. Vì thế, các cha mẹ cần hết sức chú ý đến chế độ dinh dưỡng để phòng tránh táo bón cho các con.

Vì sao trẻ dễ bị táo bón?

Táo bón là vấn đề về tiêu hóa phổ biến ở trẻ trong độ tuổi dưới 5, gây ra tình trạng khó đi tiêu, phân khô cứng, phải rặn mạnh, thời gian đi tiêu lâu hoặc đi tiêu ít lần,… Trẻ khi bị táo bón sẽ cảm thấy đau, căng thẳng và khó chịu.

Táo bón thường gặp ở trẻ nhỏ

Táo bón thường gặp ở trẻ nhỏ

Các bác sĩ chia sẻ với trang tin tức Y tế Việt Nam rằng: trẻ được chẩn đoán mắc táo bón nếu đi tiêu ít hơn 3 lần/ tuần và riêng với trẻ sơ sinh là 2 lần/ngày. Trong lúc đi tiêu trẻ sẽ cảm thấy đau đớn, mệt mỏi do phân khô cứng, gồ ghề và phải dùng nhiều sức.Với trường hợp táo bón nghiêm trọng, cha mẹ thậm chí có thể thấy vết máu trong phân của trẻ.

Thực tế cho thấy, 90-95% trường hợp táo bó ở trẻ em là táo bón chức năng và thường không có những bất thường xảy ra với đường tiêu hóa cũng như không có tổn thương thực thể. Những nguyên nhân chính gây nên táo bón ở trẻ em mà các cha mẹ nên biết đó là do: Chế độ ăn ít chất xơ, uống không đủ nước, lười vận động, trẻ không chịu đi tiêu. Đặc biệt, táo bón cũng có thể xảy ra đối với cả trẻ sơ sinh vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển toàn diện và sử dụng sữa công thức không phù hợp.

Chế độ dinh dưỡng giúp phòng tránh táo bón cho trẻ

Khi thấy con bị táo bón, các bà mẹ thường lo lắng và tìm mọi cách giúp con nhanh chóng thoát khỏi tình trạng đau đớn và khó chịu bằng việc dùng các thuốc thụt tháo hay các thuốc nhuận tràng làm mềm phân, tuy nhiên, việc làm này không loại bỏ triệt để nguyên nhân gây táo bón. Hơn thế, sử dụng thuốc thụt tháo thường xuyên khiến tổn thương hậu môn, làm mất phản xạ đi tiêu của trẻ và gây lệ thuộc thuốc. Đặc biệt, dùng các thuốc nhuận tràng dài ngày có khả năng làm mất nước và chất điện giải nên gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Điều trị táo bón cho trẻ trước hết cha mẹ cần chú ý xem chế độ dinh dưỡng cho bé đã phù hợp hay chưa. Ăn quá nhiều chất đạm không chỉ dẫn đến tình trạng tăng cân, béo phì, mất nước và rò rỉ khoáng xương mà còn gây đầy bụng khó tiêu và dẫn tới táo bón với các con. Ngoài ra, sữa rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, nhưng nếu sữa có hàm lượng đạm quá cao cũng sẽ là nguyên nhân gây táo bón.

Chế độ ăn nhiều chất xơ giúp trẻ không bị táo bón

Chế độ ăn nhiều chất xơ giúp trẻ không bị táo bón

Cách hiệu quả nhất là cha mẹ nên bổ sung chất xơ tự nhiên trong khẩu phần ăn của bé. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho biết khoảng 10-15g chất xơ trong chế độ ăn sẽ tốt với tình trạng táo bón của trẻ. Cha mẹ có thể bổ sung chất xơ cho con bằng chế độ ăn nhiều rau quả, các loại hạt đậu hay ngũ cốc nguyên cám hoặc các loại nước ép rau quả.

Không chỉ vậy, cha mẹ nên cho con uống nước thường xuyên vì cung cấp đầy đủ chất lỏng mỗi ngày sẽ có lợi cho hệ tiêu hóa của bé. Trẻ nhỏ thường không thích uống nước lọc, do đó sữa, nước ép trái cây có thể là những lựa chọn thay thế hợp lý. Đối với bé dưới 6 tháng tuổi thì hoàn toàn có thể bú sữa mẹ mà không cần tới nước; đối với trẻ từ 6 -12 tuổi thì cần bổ sung 60 -120ml nước mỗi ngày kết hợp với sữa mẹ và với trẻ từ 1 -10 tuổi cần uống đủ ít nhất 1 -1,5 lít nước mỗi ngày còn với trẻ hơn 10 tuổi nên uống từ 2 -2,5 lít nước hàng ngày để ngăn ngừa táo bón.

Ngoài ra để phòng tránh táo bón cho trẻ, các cha mẹ nên khuyến khích trẻ tích cực vận động và riêng với trẻ sơ sinh thì có thể áp dụng các bài tập nhẹ nhàng như đặt con ở tư thế nằm, giữ chân, co đầu gối và di chuyển nhẹ nhàng như đang đạp xe.

Mong rằng với những chia sẻ trên đây, các cha mẹ sẽ chú ý hơn tới chế độ dinh dưỡng để giúp phòng tránh táo bón cho trẻ một cách hiệu quả, giúp trẻ có sức khỏe tốt hơn.

Diệu Linh