Vì sao Cục Quản lý Dược không biết VN Pharma nhập thuốc ung thư giả?

Là cơ quan nhà nước chuyên quản lý về Dược phẩm trực thuộc Bộ Y tế nhưng vì sao Cục Quản lý Dược quan trọng như thế lại không hề biết gì về vụ VN Pharma?

Ngày 28/08/2017, 08:49:06   Tác giả : Trang Minh    Lượt xem: 2458

Theo trang Y tế Việt Nam dẫn lời PGS Nguyễn Hữu Đức (Trường Đại học Y dược TP.HCM) thì thuốc giả là thuốc kém chất lượng, không có hoạt chất chữa bệnh và cả thuốc có chứa hoạt chất nhưng không đủ hàm lượng điều trị. Tin y tế cũng nêu băn khoăn của nhiều người rằng vì sao Cục Quản lý Dược lại không nắm được việc VN Pharma buôn lậu thuốc giả số lượng “khủng” đến thế?

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty CP VN Pharma)

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty CP VN Pharma)

Thật giả do tấm lòng của nhà quản lý

Sự việc của công ty VN Pharma, PGS Nguyễn Hữu Đức cho biết trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước là rất lớn mà trực tiếp ở đây là Cục Quản lý Dược Bộ Y tế.

Theo PGS. Nguyễn Hữu Đức, bình thường để nhập khẩu một loại thuốc về thì thuốc đó trước tiên phải được cấp phép ở nước sở tại. Trường hợp của công ty VN Pharma là làm giả hồ sơ, công ty này ở Canada không có thực mà Cục Quản lý Dược vẫn cho nhập khẩu, nhập khẩu về đến Việt Nam mới nghi ngờ là thuốc có vấn đề rồi cho đi kiểm nghiệm là “không đúng quy trình lắm”.

Lẽ ra, Cục Quản lý Dược phải biết thuốc này có vấn đề ngay từ khi cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam bởi vì thuốc này không có mã số, mã vạch và cấp phép của nước sở tại.

PGS Đức cho rằng, bất cứ loại thuốc giả nào lưu hành, trách nhiệm phải thuộc về cơ quan quản lý chứ không phải là người dân bởi người dân làm sao biết được thuốc thật hay thuốc giả để phân biệt được nó.

Nếu thuốc này được sử dụng cho người bệnh thì thực sự tác hại không thể ngờ tới bởi nó quá nguy hại.

Nhiều người tranh cãi thuốc của Công ty VN Pharma nhập về là thuốc thật chỉ là giả hồ sơ, tuy nhiên, PGS Đức cho rằng thật giả chỉ cần xem qua định nghĩ thế nào là thuốc giả thì sẽ biết ngay.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra một định nghĩa thống nhất về thuốc giả như sau: "Thuốc giả là sản phẩm được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc. Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm với đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả".

Như vậy, thuốc giả theo WHO bao hàm cả thuốc kém chất lượng là thuốc có chứa hoạt chất nhưng không đủ hàm lượng mà ở ta, trong thời gian qua nhiều thuốc bị thu hồi vì vi phạm loại này.

Thuốc không có cấp phép của nước sở tại mà vẫn nhập khẩu về Việt Nam

Thuốc không có cấp phép của nước sở tại mà vẫn nhập khẩu về Việt Nam

Hoạt chất có trong thuốc chính là dược chất có tác dụng chữa bệnh, do không chứa dược chất hoặc có chứa nhưng không đủ hàm lượng ví dụ như viên thuốc paracetamol đáng lẽ phải chứa đủ 500 mg dược chất paracetamol khi kiểm nghiệm lại chứa ở mức thấp hơn mức quy định gọi là không đủ hàm lượng và bị quy là kém chất lượng nên dùng thuốc giả người dùng thuốc sẽ không hết bệnh và bệnh càng ngày càng nặng thêm.

Nguy hại hơn là thuốc giả chứa “sai hoạt chất” mà hoạt chất sai đó nếu là độc chất thì người dùng thuốc có thể tử vong. Cách đây không lâu, một số nước Châu Phi đã xảy ra tình trạng thuốc dành cho trẻ chứa tá dược lẫn tạp chất là độc chất propylene glycol làm cho nhiều trẻ con bị tử vong.

Vụ việc VN Pharma nhập khẩu thuốc trị ung thư được cho là giả gây ồn ào những ngày qua thì không thể đòi hỏi người bệnh “thông minh” phát hiện và tự mình tránh dùng thuốc giả. Việc phát hiện, ngăn ngừa chỉ có thể thực hiện từ tấm lòng, đạo đức của các nhà chuyên môn là dược sĩ, bác sĩ và nhất là cơ quan nhà nước là Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y Tế.

Thuốc ung thư cũng dễ bị làm giả

PGS Đức cho biết, hiện nay thuốc giả có thể chia thành 6 loại có liên quan đến hình thức giả mạo và mức độ giả mạo của chúng như: sản phẩm không có hoạt chất chữa bệnh, sản phẩm có hàm lượng hoạt chất chữa bệnh không đúng, sản phẩm có hoạt chất sai, sản phẩm có lượng hoạt chất chữa bệnh đúng nhưng có bao bì giả nhái lại sản phẩm nguyên bản (mạo danh nhà sản xuất/nước sản xuất, xuất xứ thuốc thật bị làm giả), sản phẩm có nồng độ hoạt chất không tinh khiết, sản phẩm nhiễm bẩn chứa độc chất đến mức nguy hiểm.

Khi kỹ thuật công nghệ ngày càng phát triển thì tình trạng thuốc giả phổ biến ngày càng nhiều. Bên cạnh các thuốc giả không chứa dược chất hoặc có chứa nhưng không đủ hàm lượng gây hại cho người dùng thuốc là chính, còn có thuốc giả được sản xuất ra các sản phẩm tương tự một cách tinh vi, giống y thuốc thật mà mắt thường rất khó phân biệt được.

Những thuốc dễ làm giả là các loại thuốc thuộc nổi tiếng và đang được tiêu thụ số lượng lớn như thuốc trị rối loạn cương ở nam giới là thuốc Viagra hay Cialis. Nhưng các thuốc thuộc loại lâu đời trị các bệnh xã hội và cũng được tiêu thụ với số lượng rất lớn như thuốc trị sốt rét, thuốc kháng lao… cũng bị làm giả.

Đối với thuốc trị ung thư, theo PGS Đức nó cũng có thể bị làm giả vì thường đắt tiền và người bệnh ung thư dễ bị tử vong và được cho là do bệnh chứ không do thuốc.

Câu chuyện về thuốc ung thư giả và cơ quan liên quan vẫn đang là chủ đề nóng đề đem ra bình luận trên khắp các diễn dàn Y Dược trên cả nước.

Nguồn theo Báo Infonet