Nhiều bệnh viện công ở Đồng Nai kêu cứu vì bác sĩ giỏi ồ ạt xin nghỉ việc

2 năm qua, hiện tượng hàng loạt bác sĩ có chuyên môn giỏi ở các bệnh viện công trên địa bàn Đồng Nai bỏ việc vẫn tiếp tục gia tăng và nguy hiểm đến báo động.

Ngày 30/09/2017, 06:18:17   Tác giả : Trang Minh    Lượt xem: 28252

Theo trang y tế Việt Nam thì hiện tượng chảy máu chất xám bác sĩ giỏi BV công xin nghỉ việc đầu quân cho BV tư đã được báo trước từ lâu. Nhất là ở địa bàn tỉnh Đồng Nai khiến cơ sở này có nguy cơ không còn bác sĩ để điều trị cho bệnh nhân trên địa bàn.

TS Phan Huy Anh Vũ - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai

TS Phan Huy Anh Vũ - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai

Bệnh viện công ngày càng khan hiếm bác sĩ giỏi

Thống kê của Sở Y tế Đồng Nai cho thấy, năm 2016, Sở đã đồng ý cho 65 bác sỹ xin rút khỏi các bệnh viện công. Đến hết tháng 8/2017, bác sĩ xin thôi việc là 45, so với cùng kỳ này năm 2016 giảm 07 bác sĩ (năm 2016 bác sĩ xin thôi việc là 52). Như vậy cũng không cao hơn nhiều so với năm 2016.

Về số lượng BS thôi việc ở các đơn vị: 45 BS (Trong đó: Bệnh viện ĐK Thống Nhất 10; Bệnh viện ĐK Đồng Nai 12; Bệnh viện Nhi: 06; Bệnh viện YDCT: 03; TTYT Xuân Lộc: 03; Bệnh viện ĐKKV Long Thành: 02; TTYT Nhơn Trạch 03; TTYT Trảng Bom: 01; Trung tâm RHM: 01; TTYT TX Long Khánh: 04).

Theo TS Phan Huy Anh Vũ – Phó Giám Sở Y tế Đồng Nai số bác sĩ xin nghỉ khỏi bệnh viện công vẫn xảy ra và đặc biệt là trong số đó có các bác sĩ là lãnh đạo thậm chí Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cũng xin nghỉ việc, có bác sĩ được quy hoạch làm Phó Giám đốc bệnh viện cũng xin nghỉ, nhiều người là trưởng khó, phó khoa cũng khiến cho tình trạng các bác sĩ ở lại nao núng.

Ông Vũ thừa nhận các bác sĩ đều có tay nghề cao nên ngay lập tức ngành y tế Đồng Nai chưa thể đào tạo được bác sĩ thay thế.

Nguyên nhân khiến hàng loạt bác sĩ bỏ bệnh viện công ra làm cho tư nhân?

Đa số bác sĩ này đều chuyển ra làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân vì lý do thu nhập, bởi các bệnh viện, phòng khám tư sẵn sàng chi trả mức lương cao từ 30-50 triệu đồng/tháng/bác sĩ (tùy vị trí, tay nghề). Trong khi tại bệnh viện dù có nỗ lực lắm cũng chỉ có thể trả cho bác sĩ có thâm niên 10-12 năm từ 15-18 triệu đồng/tháng; bác sĩ mới ra trường khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Nguyên nhân khiến hàng loạt bác sĩ bỏ bệnh viện công ra làm cho tư nhân?

Nguyên nhân khiến hàng loạt bác sĩ bỏ bệnh viện công ra làm cho tư nhân?

Mặt khác do áp lực công việc, sự quá tải của các cơ sở y tế công lập và áp lực từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Hệ thống các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân phát triển có nhu cầu tuyển bác sĩ, nhất là bác sĩ có chuyên môn sâu, chuyên khoa, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh nên sẵn sàng đưa ra mức lương cao để thu hút.

Ông Phan Huy Anh Vũ cho biết hiện nay tỉnh Đồng Nai đã có chế độ thu hút và ưu đãi bác sĩ về Đồng Nai làm việc. Cụ thể, mức thu hút từ 100-150 triệu đồng/bác sĩ và hỗ trợ 1,2-1,8 triệu đồng/bác sĩ/tháng. Tuy nhiên, chế độ này chỉ áp dụng ở những cơ sở y tế tuyến huyện và các bệnh viện chuyên khoa. Trong khi đó, các cơ sở y tế tư nhân “trải thảm đỏ”, mức thu nhập hấp dẫn từ 30-80 triệu đồng để thu hút hàng loạt bác sĩ từ các bệnh viện công lập về làm việc, nhất là các bệnh viện tuyến tỉnh.

Việc bác sĩ nghỉ việc hàng loạt ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của bệnh viện, nhất là trong phát triển các chuyên khoa, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động chuyên môn của các khoa.

TS Vũ cũng cho biết sự dịch chuyển này chưa biết khi nào sẽ dừng lại, tuy nhiên ngành y tế Đồng Nai vẫn đang cố gắng "lấp khoảng trống" nguồn nhân lực này và  giải pháp căn cơ nhất vẫn là thực hiện Nghị định 16 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Từ nay đến năm 2020 sẽ từng bước tính đủ chi phí vào giá khám chữa bệnh, giúp các bệnh viện tự chủ tài chính, tạo cơ chế tăng thêm thu nhập cho đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế.

Ông Vũ cũng cho biết việc chuyển dịch nhân lực y tế nhất là bác sĩ chỉ xảy ra ở giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển của y tế ngoài công lập, khi đi vào ổn định hoạt động thì việc tiếp nhận xảy ra bình thường, thậm chí là hạn chế không thể còn làn sóng như hiện nay.

Hiện tượng trên nhận được sự quan tâm và lo ngại của không ít các bạn sinh viên các trường Đại học và Cao đẳng Y Dược trước ngưỡng cửa việc làm sau khi ra trường.

Nguồn theo Báo Infonet