Tại sao nói bệnh viện Việt Nam ngày càng giống đấu trường?

Gần đây, trên trang báo uy tín về sức khỏe có đăng tải về tình trạng bạo hành nghề Y rằng bệnh viện và đấu trường đang dần có điểm tương đồng. Vì sao lại thế?

Ngày 05/11/2017, 03:56:22   Tác giả : Trang Minh    Lượt xem: 2080

Trang tin tức y tế Việt Nam đã đăng tải lại bài viết của tác giả để nhấn mạnh lại về thực trạng nhân viên y tế bị bạo hành quá nhiều mà vẫn chưa có biện pháp xử lý. Dưới đây là nội dung mà chuyên mục chuyện nghề Y muốn chuyển đến bạn đọc cả ở trong và ngoài ngành Y với nội dung như sau:

Tại sao nói bệnh viện Việt Nam ngày càng giống đấu trường?

Tại sao nói bệnh viện Việt Nam ngày càng giống đấu trường?

Bệnh viện…..và đấu trường có điểm gì chung?

Cái tít, tôi đặt là Bệnh viện và đấu trường, thực ra nó rất khiên cưỡng. Đấu trường là chỗ người ta đánh nhau.

Còn ở đây là, nhân viên y tế và bệnh nhân bị đánh, bị bạo hành, chỉ có một phía là nạn nhân thôi, phía kia là thủ phạm, một phía chủ động và một phía bị động. Nhưng thôi cứ để thế, nhờ bạn đọc đặt hộ...

Cái tin anh Chủ tịch phường Nguyễn Xuân Huân ở phường Trung Đô, thành phố Vinh, Nghệ An, cầm ghế định... “ngồi” nữ bác sĩ Hoàng Thị Minh bị phạt hẳn... 300 ngàn và khiển trách khiến nhiều người bất ngờ. Có lấp liếm đến mấy, cãi lu loa đến mấy, chày cối đến mấy, xem cái đoạn anh hùng hổ và tự nhiên như ở... phường, cầm cái ghế sấn sổ xông vào phòng cô bác sĩ khi cô ấy đã rút vào để trốn sau khi đã ăn mấy cái tát của một gã đàn ông to cao lừng lững, thì thấy rõ ràng là anh không thể... ngồi trong hoàn cảnh ấy, và anh cũng không hoàn toàn có ý định ngồi trong cái tư thế rất hừng hực, rất sẵn sàng phang ghế vào đầu người khác thế.

Bác sĩ chữa bệnh cứu người, đồng thời còn phải đối diện với nỗi lo bị đối tượng quá khích tấn công.

Bác sĩ chữa bệnh cứu người, đồng thời còn phải đối diện với nỗi lo bị đối tượng quá khích tấn công.

Án kỷ luật hết sức nhẹ nhàng và êm ái cho cái hành động hết sức xấu hổ và, xin lỗi nói thẳng, đầu đường xó chợ kia có khi làm anh ta đang ngồi... cười. Tất nhiên phạt thì phải căn cứ theo luật, ở đây luật chỉ đến mức ấy thì đành chịu. Nhưng cao hơn, lương tâm anh này, nếu có, sẽ phải xấu hổ suốt đời. Và rõ ràng, sau cái hành động ở tầm rất du côn ấy, uy tín anh chủ tịch này chắc chắn là sụt thê thảm, vậy để anh vẫn ngồi đấy có nên không? Trong vụ này còn có một giám đốc doanh nghiệp và cũng chỉ bị mức phạt 3,5 triệu đồng vì... chưa đến mức xử lý hình sự.

Máu người thầy thuốc đến khi nào mới…thôi rơi?

Mới nhất, một bác sĩ đang cấp cứu cho bệnh nhân trong bệnh viện ở Quảng Bình cũng bị tấn công, bị thương rất nặng và lập tức cũng phải chuyển viện ra Hà Nội cấp cứu, trở thành bệnh nhân. Một nữ phó trạm y tế xã cũng bị chém nhiều nhát vì khuyên một tên say rượu về nhà khi y đòi được truyền thuốc để... giải rượu.

Chưa bao giờ thấy tính mạng các nhân viên y tế mỏng manh đến e ngại như bây giờ.

Dân ta từ xưa, chỉ có ít giới được kính cẩn gọi là thầy, trong đó có thầy giáo và thầy thuốc. Họ được dân kính trọng vì họ làm việc dạy người và cứu người, những việc hết sức nhân văn và tử tế, hết sức vì con người cho con người... Nhưng giờ, có vẻ như, sự kính trọng vẫn còn của dân ta đang bị một số người vấy bẩn.

Tất nhiên có rất nhiều lý do để biện minh.

Bệnh nhân quá tải, bệnh viện cũng... quá tải. Tôi đã dăm lần thức trắng ở phòng cấp cứu và thấy sức chịu đựng của các y bác sĩ trực ở đấy rất giỏi khi mà liên tục bệnh nhân được đưa vào, máu me bê bết, kêu la váng trời. Kèm bệnh nhân là người nhà, rầm rập rầm rập với rất nhiều yêu cầu, rất nhiều lo lắng, bức xúc. Kinh tế thị trường nên nhiều người cứ nghĩ có tiền là có tất cả. Bác sĩ đang điều trị cho người nhà mình nhưng vẫn rút điện thoại ra... “điều” bác sĩ khác tới, vì chỉ ông ấy mới giỏi. Rồi đùng đùng đòi chuyển viện bất chấp ý kiến chuyên môn, rồi đòi thuốc này thuốc kia dù chả biết nó có hợp với bệnh nhân không...

Có một thứ tâm lý rất lạ ở nước ta ấy là ai cũng... làm bác sĩ được. Đau ốm gì thì việc đầu tiên là ra hiệu thuốc mua thuốc. Người tự tin thì đọc tên thuốc tự mua, thiếu tự tin tí thì đọc bệnh cho nhân viên nhà thuốc, đa phần là sơ cấp, cao hơn tí là trung cấp dược, chứ dược sĩ cao cấp chỉ có cái tên trong bằng thuê chứ không ai trực tiếp đứng quầy, và nhân viên bán thuốc này “thành thạo” kê đơn bốc thuốc nhanh và chuyên nghiệp hơn bác sĩ, ghi rõ từng loại sáng mấy viên chiều mấy viên, uống trước ăn sau ăn trước ngủ sau ngủ... người bệnh cứ thun thút nghe. Nên cái chuyện lên google tự khám và điều trị không phải là hiếm, rồi còn... mượn đơn thuốc của nhau. Đại loại thấy người kia bệnh ấy, uống thuốc ấy khỏi, thấy mình cũng... giông giống thế, vậy là xin đơn thuốc, đi mua về uống. Còn nếu đã vào bệnh viện thì rất thích... điều hành bác sĩ. Nhẹ thì điện thoại cho bác sĩ quen, bác sĩ mình cho là giỏi hơn không cần biết ông ấy có trực hay không, cũng không nể nang gì bác sĩ đang trực tiếp chữa cho mình hoặc người nhà mình. Nặng hơn chút thì đòi chuyển viện, bất chấp có chuyển được hoặc có cần chuyển hay không? Rồi sao không siêu âm màu, sao không chụp MRI, v.v... và v.v... rất nhiều kiểu hoạnh họe tỏ ra ta đây hiểu biết... tâm lý ấy rất dễ dẫn đến coi thường bác sĩ. Và từ coi thường đến tẩn bác sĩ chỉ là gang tấc.

Bây giờ tẩn bác sĩ không chỉ là dao như cái đứa chém chị Trần Thị Thanh Hải, Phó trưởng trạm Y tế xã Hương Lâm, Hương Khê, Hà Tĩnh, hay dùng tay tát, dùng ghế... “ngồi” như ông Giám đốc Nguyễn Đình Hoàng Thắng và Chủ tịch phường Nguyễn Xuân Huân tẩn bác sĩ Hoàng Thị Minh nữa, mà còn nhiều chiêu thức khác, hiện đại và... hèn hơn, như ảnh chẳng hạn, clip chẳng hạn.

Tôi vẫn không thể quên cái cảm giác lần đầu tiên xem cái clip một người bố quay cảnh đối thoại với tiến sĩ, bác sĩ mắt Nguyễn Thị Minh. Cảm giác như mình bị xúc phạm và tự hỏi, nếu ở đấy, hoặc mình trong hoàn cảnh ấy, mình sẽ xử lý thế nào? Có hiểu biết chút ít về quy trình khám, tôi thấy những câu hỏi của ông bố trẻ này chứng tỏ anh không hiểu gì khi anh cứ vặn sao có máy móc mà bác sĩ không khám cho cháu lại chỉ vạch mắt cháu ra, trong khi trước đó cháu đã được làm các thao tác kiểm tra, bác sĩ Minh chỉ là người kết luận. Thực ra thắc mắc thì vẫn được và cũng nên thắc mắc như một sự phản biện, nhưng cái kiểu vừa “thắc mắc” đã chả giống ai, lại vừa dí cái điện thoại vào mặt người đối thoại để quay rồi tung lên mạng, nó không được lương thiện lắm, không được tử tế lắm. Nó bất nhẫn và thậm chí, có thể nói là khốn nạn.

Chưa bao giờ thấy tính mạng các nhân viên y tế mỏng manh đến e ngại như bây giờ (Nhà thơ Văn Công Hùng).

Chưa bao giờ thấy tính mạng các nhân viên y tế mỏng manh đến e ngại như bây giờ (Nhà thơ Văn Công Hùng).

Cũng như thế, một anh bác sĩ đã từng khốn khổ vì khi thăm bệnh, theo thói quen, chắc thói quen “ba xoa hai đập” từ ông cha, đã đứng một chân, cho một chân lên giường bệnh nhân. Và người nhà đã kịp chụp bức ảnh ấy tung lên mạng. Người hả hê, kẻ thương xót. Tôi thấy ở đấy một sự vô ơn và bất nhẫn. Ai nắm tay được cả ngày. Cũng như trong đời một người, ai bảo chưa bao giờ một lần quên cài cúc áo, thậm chí quên kéo khóa quần?

Nạn nhân bị bạo hành phải nhún nhường để xoa dịu dư luận?

Để xoa dịu dư luận và cả bảo vệ mình, ngành y tế và cả các nạn nhân đã chọn cách nhún nhường. Bác sĩ Nguyễn Thị Minh (mắt) thì bị khiển trách vì tư thế ngồi lúc nói chuyện với người nhà bệnh nhân. Bác sĩ Hoàng Thị Minh ở Nghệ An thì... không kiện cáo gì. Và đấy là lý do để 2 ông tẩn và định “ngồi” chỉ bị phạt tiền nhẹ hều.

Tất nhiên, cũng thấy là, không phải không có những tiêu cực, thậm chí là tội ác như vụ bác sĩ Tường làm chết rồi phi tang xác nạn nhân, từ phía các nhân viên y tế mà ngành đang rất cố gắng để chấn chỉnh. Nhưng việc nào ra việc ấy, không thể vin vào đấy để rồi thích là đá đít bạt tai bác sĩ, là quay clip, chụp ảnh rồi quăng lên mạng, là vô tư sỉ nhục thầy thuốc...

Ngay khi tôi ngồi viết những dòng này thì báo chí đang đồng loạt đưa tin, rạng sáng 28/10 côn đồ kéo vào tận Phòng Cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh truy sát một bệnh nhân đang cấp cứu ở đây. Kết quả một người chết, ba người bị thương nặng. Nhân viên y tế và bệnh nhân đang ở đây tháo chạy tán loạn, rất nhiều ca đang cấp cứu phải ngừng lại dù từng giây từng phút trong cấp cứu là rất quý để cứu sống bệnh nhân. Tất nhiên là công an đã có mặt để vãn hồi trật tự sau khi đã có người chết.

Bởi thế nên cái tít, tôi đặt là “Bệnh viện và đấu trường”, thực ra nó rất khiên cưỡng. Đấu trường là chỗ người ta đánh nhau. Còn ở đây là, nhân viên y tế và bệnh nhân bị đánh, bị tẩn, bị bạo hành, chỉ có một phía là nạn nhân thôi, phía kia là thủ phạm, một phía chủ động và một phía bị động. Nhưng thôi cứ để thế, nhờ bạn đọc đặt hộ, cũng có thể là: “Nơi bác sĩ là nạn nhân”.

Nguồn theo Báo Sức khỏe và Đời sống