Đốt bồ kết giúp đuổi virus vi khuẩn ra khỏi nhà?

Thời tiết nồm ẩm là điều kiện tốt nhất để vi khuẩn sinh sôi nẩy nở. Hơi nước từ dưới thì cống rãnh bốc lên, trên thì độ ẩm nén xuống, nên trong không gian sống của chúng ta chứa đầy vi khuẩn.

Ngày 03/01/2020, 08:50:29   Tác giả : Văn Quyết    Lượt xem: 1807

Trái bồ kết có tác dụng gì?

Đốt bồ kết có giúp làm sạch không gian sống không?

Nấm mốc do nồm ẩm ngoài những vết rêu mốc trên tường, sân nhà... còn là các vi nấm lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu... mà mắt thường không thấy.

Nếu không biết làm giảm độ ẩm trong nhà, sớm dọn sạch đồ vật bị nấm mốc thì những người trong nhà rất dễ bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp. Đặc biệt, với người bị bệnh hen suyễn rất dễ bị lên cơn nếu dị ứng với bụi nhà.

Một mẹo làm sạch vi khuẩn trong nhà bằng phương pháp hết sức đơn giản mà tiết kiệm là đốt bồ kết. Đây là phương pháp dân gian mà các cụ xưa sử dụng để “trừ tà” trong những ngày cuối năm và những ngày ảm đạm của nồm ẩm.

Nhìn theo cách nhìn của khoa học thì việc “trừ tà”, hay đuổi tà khí theo quan niệm của các cụ xưa chính là diệt sạch virus trong không gian sống.

Ở các vùng quê, người dân thường dùng bồ kết chữa bệnh cho vật nuôi. Khi trâu, bò, gà, lợn chết hàng loạt, bà con đã xông khói bồ kết liên tục nhiều ngày đêm, bằng cách đốt các đống trấu lớn, thỉnh thoảng ném vài quả bồ kết vào, bồ kết cháy âm ỉ, khói tỏa ra, bay vào chuồng nuôi, gia cầm gia súc hít thở khói đó sẽ phòng được bệnh dịch.

Hiện phương pháp này không mấy ai biết. Cây bồ kết cũng vắng bóng tại các vùng quê bởi sự thay thế của các loại thuốc diệt khuẩn. Nhiều người đã không biết rằng, quả bồ kết có công năng tuyệt vời để hạn chế, loại trừ vi rút, vi khuẩn trong không gian ngôi nhà bạn.

Trị bệnh mùa lạnh bằng bồ kết như thế nào

Theo Đông y, quả bồ kết có vị cay, mặn, tính ôn, hơi có độc,vào kinh phế, đại tràng, có tác dụng thông khiếu, khử đờm, tiêu thũng, gây hắt hơi, dùng làm thuốc tiêu đờm, thông đại tiện, sát trùng…

Hình ảnh quả bồ kết
Hình ảnh quả bồ kết

Bồ kết có tinh dầu và hương thơm mạnh, là vị thuốc rẻ tiền, dễ bảo quản, sử dụng đơn giản, đặc biệt thích hợp chữa trị các bệnh trong mùa đông, thiết thực với cả những gia đình ở nông thôn và thành thị..

Thông mũi, tỉnh não: hãm nước từ trái bồ kết tươi hoặc phơi khô nghiền nhỏ và pha nước uống, hương vị và mùi thơm của bồ kết có tác dụng thông tắc mũi, ngạt mũi, thông khí, sảng khoái tinh thần.

Trị ho bằng bài thuốc dân gian từ bồ kết: bồ kết 1g, quế chi 1g, đại táo 4g, cam thảo 2g, sinh khương 1g, nước 600ml, sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày. Phòng bệnh cho sản phụ: lấy 1 chậu than củi đốt cháy đỏ rồi rải 1 lượt quả bồ kết cùng 1 ít muối cho sản phụ xông.

Trị trúng gió không nói được: dùng quả bồ kết bỏ hạt, lấy vỏ nướng cháy nghiền thành bột, ngày uống 0,5 – 1g. Nếu sắc thì dùng 5 – 10g quả bồ kết bỏ hạt sắc uống.

Trường hợp trúng gió bị méo miệng nhưng vẫn nói được thì dùng khoảng 10 quả bồ kết nướng giòn, tán nhỏ mịn, trộn với loại dấm tốt cho sền sệt. Miệng méo về bên trái thì đắp má bên phải và ngược lại. Khi nào khô thì hòa thêm dấm cho vừa dẻo để đắp. Cách này có tác dụng với người mới bị bệnh.

Theo Y tế Việt Nam tổng hợp