- Bài thuốc sử dụng Củ Kiệu
- Hành lá dược liệu chữa nhiều bệnh mà có thể bạn chưa biết
- Công dụng chữa trị phổ biến của hồ tiêu trong bài thuốc
1. Cao huyết áp là gì?
Cao huyết áp là nguyên nhân gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trên tim mạch
Cao huyết áp hay gọi là tăng huyết áp là tình trạng áp lực máu lên thành động mạch tăng cao hơn so với mức bình thường. Huyết áp ở mức bình thường của người trưởng thành, hai chỉ số huyết áp tâm thu là 120 mmHg và huyết áp tâm trương là 80 mmHg. Khi chỉ số huyết áp tâm thu > 140mmHg và hoặc huyết áp tâm trương > 90mmHg thì người bệnh gặp phải tình trạng cao huyết áp.
Huyết áp tăng cao gây ra nhiều áp lực cho tim và là căn nguyên của nhiều biến chứng trên tim mạch nguy hiểm như: Đột quỵ, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, suy tim.
Trên thực tế huyết áp cao không có bất kỳ triệu chứng nào. Một số ít bệnh nhân bị tăng huyết áp có thể biểu hiện một số triệu chứng thoáng qua như chóng mặt, đau đầu, khó thở, hoặc chảy máu cam. Do đó để kiểm soát căn bệnh này, người bệnh nên tuân theo chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt và tập thể dục thường xuyên.
2. Nguyên nhân gây cao huyết áp?
Một số trường hợp cao huyết áp đều không rõ nguyên nhân và được gọi là tăng huyết áp vô căn. Loại này thường phổ biến ở nam giới và do di truyền.
Cao huyết áp thứ phát là hậu quả của một số bệnh lý như bệnh u tuyến thượng thận, bệnh thận, bệnh u tuyến giáp, do tác dụng phụ của thuốc tránh thai, thuốc cảm, cocaine, uống rượu bia, hút thuốc lá, thừa cân béo phì, đái tháo đường, tiền sử gia đình, lười vận động.
3. Các thảo dược thiên nhiên bài thuốc chữa bệnh cao huyết áp hiệu quả?
- Tỏi
Củ tỏi có chứa thành phần hoạt chất là allicin hoặc S-allylcysteine, axit amin. Tỏi có tác dụng tốt choa sức khoẻ tim mạch, giúp tăng lưu lượng máu, giúp thư giãn mạch máu, thúc đẩy tuần hoàn khỏe mạnh, hạ huyết cao, giúp ổn định huyết áp.
Tỏi có thể được sử dụng trong các dạng sau: ăn Tỏi sống, dạng bột, chiết xuất tỏi lỏng.
Lưu ý khi dùng tỏi có thể làm tăng chảy máu, cần thận trọng khi dùng cho những người bệnh đang dùng thuốc làm loãng máu.
- Trà xanh
Trà xanh có chứa các hợp chất như Tannin catechin, cafeine, acid amin (Theanine), saponin, vitamin, flo, khoáng chất và diệp lục. Trà xanh có tác dụng chống oxy hoá, giảm huyết áp, giảm cholesterol, ngăn ngừa ung thư, lợi tiểu, kích thích thần kinh trung ương. Sử dụng trà xanh thường xuyên giúp ngăn ngừa biến chứng của tăng huyết áp, kiểm soát tốt mỡ máu và giảm xơ vữa động mạch.
Lưu ý, một số trường hợp không dùng được trà xanh như người bị táo bón, mất ngủ, thiếu máu, người bị suy nhược thần kinh, người bị loét dạ dày, người mắc bệnh gout, người bị loãng xương. Vì trà xanh có thể khiến bệnh nặng hơn.
Lưu ý chiết xuất trà xanh có liên quan đến tổn thương gan ở một số người và có thể tương tác với thuốc.
Trà xanh có thể được sử dụng dưới dạng trà 1- 2 ly mỗi ngày, hoặc chiết xuất có thể được dùng như một chất bổ sung.
- Húng quế
Húng quế chứa các hợp chất tinh dầu eugenol, là một chất chống oxy hóa có tác dụng giúp giảm huyết áp cao. Eugenol hoạt động giống như một chất chặn kênh canxi tự nhiên, giúp thư giãn mạch máu bằng cách giữ cho canxi không đi vào những nơi không thuộc về nó, giúp kiểm soát huyết áp cao và hỗ trợ thư giãn mạch máu.
Cách thực hiện: Có thể dùng 20g lá húng quế tươi giã vắt lấy nước uống hằng ngày. Hoặc hấp cách thủy, hay sắc nước cùng các vị thuốc khác.
- Hòe hoa
Nụ hoa hòe chứa hợp chất flavonoid là rutin có vai trò tăng cường khả năng chịu đựng của mạch máu, ổn định huyết áp, ngăn ngừa nguy cơ tai biến mạch máu não rất hiệu quả nên thường được sử dụng để điều trị bệnh cao huyết áp.
Nụ hoa hòe thường được sử dụng chữa tăng huyết áp thể nhẹ và vừa, làm bền vững thành mạch. Dùng 6-20g nụ hòe sao vàng, sắc uống hằng ngày hoặc hãm như hãm chè.
4. Lưu ý khi sử dụng cây thuốc thảo dược chữa cao huyết áp?
Chọn những cây thuốc thảo dược còn tươi, không bị héo úa, không bị dập nát, không thuốc trừ sâu.
Kiên trì sử dụng liên tục trong thời gian dài, kết hợp với thói quen sinh hoạt lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý hằng ngày để cải thiện tình trạng cao huyết áp.
Không nên lạm dụng nước uống từ các loại cây thuốc thảo dược.
Nên chọn các cây loại thảo dược đã được nghiên cứu về hiệu quả, độ an toàn và phù hợp với tình trạng bệnh.
Thuốc thảo dược là giải pháp giúp hỗ trợ điều trị cao huyết áp không thể thay thế hoàn toàn thuốc chữa bệnh. Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ và tham khảo ý kiến trước khi dùng các thuốc thảo dược.
Đi tái khám định kỳ để kiểm tra tình trạng bệnh cao huyết áp, không chủ quan ngay cả khi bệnh được cải thiện.
Hãy tham khảo ý kiến của dược sĩ hoặc bác sĩ trước khi sử dụng các thảo dược hỗ trợ chữa bệnh cao huyết áp.
DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM, giảng viên tại Cao đẳng Y Dược TPHCM