Cỏ nhọ nồi: vị thảo dược lành tính có tác dụng cầm máu

Bạn hãy cùng tôi tìm hiểu hơn về công dụng cây nhọ nồi (cỏ mực) và liều dùng của loại cỏ này qua bài viết dưới đây.

Ngày 22/07/2022, 07:37:27   Tác giả : Bích Nhuần    Lượt xem: 404

Cỏ nhọ nồi

Ds.CKI. Nguyễn Quốc Trung giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết: Trong dân gian, Cỏ nhọ nồi (cỏ mực) là thảo dược hữu ích trong chữa trị rất nhiều căn bệnh. Là loài cây chứa nhiều hoạt chất có tác dụng cầm máu, chữa các bệnh liên quan đến chảy máu. bổ thận, ích âm, thường được chữa trị can thận âm hư, các chứng huyết nhiệt, sốt cao, chảy máu cam...

Đặc điểm chung Cỏ nhọ nồi

  • Tên gọi khác: Cỏ mực, bạch hoa thảo, hàn liên thảo. thủy hạn liên
  • Tên khoa học: Eclipta alba (L.) Hassk, thuộc họ Cúc (Asteraceae).

Mô tả thực vât

  • Là loại cỏ thân thảo, cao 30 – 80cm, cây mọc thẳng, đôi khi bò lan rồi vươn thẳng.
  • Thân màu xanh hoặc đỏ tía, phình lên ở tại những mấu, có lông cứng.
  • Lá mọc đối hình mác,rộng 6 – 15 mm,dài 3 – 8 cm, mép có khía răng rất nhỏ, có lông ở 2 mặt.
  • Hoa trắng, cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành.
  • Quả bế 3 cạnh, có cánh, đầu cụt với chiều dài 2 mm, rộng 1,5 mm.

Cỏ nhọ nồi còn được gọi với tên là cỏ mực: vì khi dùng tay vò nát, ta thấy từ cây chảy ra loại nước có màu đen giống như mực.

Phân bố thu hái, chế biến

Là loại cây cỏ mọc hoang nên có thể tìm thấy khắp nơi ở nước ta

- Thu hái: quanh năm

- Bộ phận dùng: Toàn cây trên mặt đất của cây. Dùng tươi hoặc phơi, sấy khô

- Thành phần hóa học:

Trong cỏ mực có chứa các chất như: tinh dầu, chất đắng, tanin, caroten và ankaloid. (nicotin, ecliptin và coumarin lacton) Ngoài ra còn có hoạt chất wedelolacton,

- Công dụng và Tác dụng dược lý của Cỏ nhọ nồi:

Theo Đông y Y học cổ truyền, thảo dược có vị ngọt, chua, tính mát, quy vào 2 kinh Can và thận. Có tác dụng bổ thận, mạnh xương, đen tóc, mát huyết, cầm máu, giải độc.

Ngoài tác dụng cầm máu, nhọ nồi còn được sử dụng để chữa các chứng bệnh

Đã có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện, phát hiện ra các hoạt tính sinh học và những tác dụng bất ngờ của nó.

Công dụng của cây Nhọ nồi như thế nào?

1. Tác dụng cầm máu

Trong dân gian, nhọ nồi thường được sử dụng như loại thuốc bổ máu, chữa ho ra máu, chảy máu cam… Cỏ này có tác dụng cầm máu vì khả năng làm tăng tổng lượng prothrombin (yếu tố giúp đông máu), có cơ chế gần giống với vitamin K (là thành phần quan trọng giúp tổng hợp ra các yếu tố đông máu). Hoạt tính cầm máu của 1g bột cỏ mực khô tương đương với 1,33 mg vitamin K.

Cỏ này có mặt trong các bài thuốc dân gian nước ta và Trung Quốc để chữa trị nhiều chứng bệnh do xuất huyết, như: chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu; rong kinh, huyết; băng huyết sau sinh, ho ra máu

2. Tác dụng kháng khuẩn

Thảo dược này được nghiên cứu có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn: liên cầu, tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn bạch hầu, Bacillus anthracis, Bacillus subtilis. những viêm tiết niệu và mụn nhọt ngoài da.

Với tác dụng dịch chiết suất cỏ nhọ nồi, được thực hiện trên nhóm chuột bị gây nhiễm trùng bằng đường tiêm. Kết quả cho thấy tác dụng cây cỏ này cải thiện được quá trình chữa trị chuột nhiễm trùng nặng và choáng nhiễm khuẩn tại nồng độ 20mg/ml.

Nhờ đặc tính kháng khuẩn dược liệu này, các hoạt chất trong cỏ mực có khả năng ngăn ngừa biến chứng nhiễm khuẩn huyết trong các trường hợp viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang.

Cỏ mực phơi khô

3. Tác dụng kháng viêm

Qua các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hoạt chất Wedelolactone trong cỏ mực có tác dụng ức chế quá trình sinh các yếu tố tiền viêm như cytokine TNF, IL-6, IL12p40. Từ đó làm giảm đi quá trình gây viêm.

4. Tác dụng trên tiêu hóa

Theo kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, cỏ này có chứa nhiều hoạt chất có khả năng trung hoà axit và cải thiện đáng kể các triệu chứng khó chịu do viêm loét dạ dày- tá tràng gây ra như ợ chua, ợ hơi, nóng rát thượng vị…Các hoạt chất đó có trong thảo dược này có thể kể đến như:

- Tanin: hoạt chất này khi vào trong đường tiêu hoá sẽ tạo nên một lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi sự tấn công của dịch vị và vi khuẩn.

- Vitamin K: có tác dụng cải thiện cơn đau dạ dày nhanh chóng, ngăn chặn tình trạng chảy máu dạ dày nếu có, đặc biệt tốt trong hỗ trợ làm liền vết loét dạ dày.

- Flavonozit và Carotene: 2 hợp chất này có tác dụng trung hòa axit dạ dày, làm giảm các triệu chứng do dư axit gây ra như ợ chua, nóng rát thượng vị, ngăn chặn tình trạng viêm loét dạ dày do tiết axit quá mức.

5. Tác dụng gì với gan?

Nhờ hàm lượng cao flavonoid và hoạt chất wedelolactone. cỏ nhọ nồi chữa trị bệnh về gan như viêm gan vàng da, giúp tăng cường chức năng gan.

Nghiên cứu đăng tải trên thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ năm 2015 cho thấy dịch chiết ethanol của cỏ này giúp thúc đẩy hoạt động của các enzyme chống oxy hóa trong gan. Một trong những tác dụng tuyệt vời là có khả năng bảo vệ gan khỏi các tác hại bởi các chất độc của thực phẩm, rượu bia; đồng thời giúp tái tạo lại tế bào gan.

6. Tác dụng giảm đau

Cỏ mực tươi thường được dùng để chữa trị đau răng, trị viêm nha chu, đau lưng, giúp làm lành vết thương trong các bài thuốc cổ truyền người Ấn Độ. Bên cạnh đó, nhiều thí nghiệm giảm đau khác nhau trên chuột cho thấy thảo dược này có tác dụng tương đương với thuốc giảm đau codein và aspirin.

7. Tác dụng Chữa các bệnh viêm đường hô hấp

Giảng viên Cao đẳng Dược - Trường Cao đẳng Y Dược PasCây cỏ mực chứa thành phần làm tan đờm, kháng viêm nên có khả năng chữa trị các cơn ho khan, ho có đờm do cảm lạnh thông thường, bệnh cúm và nhiễm trùng đường hô hấp. Nhờ cây có thành phần kháng khuẩn, nên cỏ mực vừa giảm ho đờm vừa chống nhiễm trùng.

Chỉ nên dùng cỏ mực trong khoảng thời gian khoảng 2 tuần, nếu triệu chứng bệnh không thuyên giảm, hãy đi gặp bác sĩ của bạn để được khám và kê đơn thuốc.

8. Tác dụng rất tốt cho tóc, ngăn tóc bạc sớm

Cỏ mực có tác dụng thúc đẩy tóc mọc và giữ cho tóc luôn chắc khỏe. Qua thực nghiệm Dịch chiết của cây nhọ nồi chứa thành phần methanol là yếu tố giúp kích thích các nang tóc, hứa hẹn tiềm năng điều trị rụng tóc và hói đầu trong tương lai. Thêm vào đó, cỏ mực cũng có tác dụng ngăn tóc bạc sớm.

9. Tác dụng tốt cho mắt

Nhờ hoạt chất trong cây giàu carotene – chất chống oxy hóa cần thiết để duy trì đôi mắt khỏe mạnh. Thí nghiệm chỉ ra, cỏ mực có thể vô hiệu hóa gốc tự do, nhờ đó ngăn ngừa hình thành bệnh thoái hóa mắt và bệnh đục thủy tinh thể.

Tuy nhiên, nghiên cứu về việc dùng cỏ này có thể cải thiện thị lực còn tương đối ít, vì vậy không nên sử dụng cỏ nàyđể chữa các bệnh về mắt nếu như chưa có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

10. Điều trị sốt

Theo y học cổ truyền, cỏ mực có thể hạ sốt nhanh chóng. Là loại cây dễ kiếm, an toàn nên được sử dụng rộng rãi cho các trường hợp trẻ em sốt cao. Ngoài ra, còn được dùng chữa sốt xuất huyết, sốt phát ban, trúng thử.

Một số bài thuốc chứa Cỏ nhọ nồi

Bài thuốc chứa Cỏ nhọ nồi

1. Bài thuốc cầm máu

  • 12g nhọ nồi khô hoặc 20 – 50g tươi, sắc uống.
  • Dùng riêng hoặc phối hợp cùng với ngó sen, trắc bá diệp, bách hợp.

2. Chữa trị sốt xuất huyết

  • Cỏ nhọ nồi 20 gram cùng với hoa hòe sao đen, trắc bá diệp sao đen mỗi vị 12 gram; cam thảo đất 16 gram, và lá hoặc củ sắn dây 20 gram. Sắc uống 1 thang mỗi ngày.

3. Chữa trị các chứng đau sưng ở trẻ em và người lớn

  • Nhọ nồi, rau diếp cá, lá huyết dụ, lá khế, lá dưa chuột, lá xương sông, lá nhài, lá cải trời.
  • Giã nát, thêm ít nước lọc, vắt lấy nước uống, bã dùng đắp vào chỗ sung đau.

4. Chữa trị thấp khớp

  • Cỏ mực, rễ cỏ xước, hy thiêm mỗi vị 16g, thổ phục linh 20g, ngải cứu, ké đầu ngựa mỗi vị 12g. Sao vàng, sắc đặc, uống một thang/ngày, uông trong 7 – 10 ngày liền.
  • Nhọ nồi 100g, rễ nhàu 100g, vòi voi 300g, củ bồ bồ 150g,.
  • Các vị tán nhỏ làm viên hoàn to bằng hạt tiêu. Liều uống: 20 viên hoàn/lần, ngày 3 lần.

5. Chữa trị tưa lưỡi ở trẻ em

  • Nhọ nồi tươi 4g, hẹ 2g. Đem rửa sạch, giã nhỏ, vắt lấy nước cốt. Hòa với mật ong, trộn đều chấm thuốc vào lưỡi, cứ cách 2 giờ một lần.

6. Chữa ho do viêm họng hoặc viêm amidan cấp

  • Nhọ nồi tươi 50g, sắc uống ngày 1 thang, uống trong 3 ngày.

7. Chữa lỵ

  • Nhọ nồi tươi, lá mơ lông mỗi vị 100g. Sắc đặc, uống trong ngày chia nhiều lần.
  • Nhọ nồi, rau má mỗi vị 1 nắm, mã đề tươi 1 – 2 nắm, Sắc đặc, uống trong ngày chia nhiều lần.

8. Chữa trị rối loạn kinh nguyệt

  • Nhọ nồi tươi, rau má tươi mỗi vị 30g, sinh địa, ích mẫu mỗi vị 16g, củ gấu, quả dành dành (sao cháy), ngưu tất mỗi vị 12g. Sắc uống mỗi ngày một thang.

9. Chữa rong huyết

  • Hái cỏ nhọ nồi một nắm, rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước cốt uống.
  • Hoặc cũng có thể dùng loại khô sắc thuốc uống.
  • Trong trường hợp huyết ra nhiều, ngoài cỏ mực, kết hợp thêm huyết dụ hoặc trắc bá diệp, sắc uống.

10. Chữa gan nhiễm mỡ

  • Cỏ nhọ nồi 30 gram sắc chung với đường quy, trạch tả mỗi vị 15 gram và nữ trinh tử 20 gram.
  • Trong trường hợp gan nhiễm mỡ do rượu bia: Với nguyên liệu nêu trên, bệnh nhân thêm vào các vị thuốc khác như chỉ củ tử, bồ công anh mỗi vị 15 gram và cát căn 30 gram.
  • Với gan nhiễm mỡ do béo phì cần thêm: lá sen15 gram và đại hoàng 6 gram.

Tham khảo ý kiến thầy thuốc chuyên môn trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn

Lưu ý khi sử dụng

Tuy là loại thảo dược được xem lành tính, dùng được cho nhiều bệnh lý khác nhau, tuy nhiên vẫn cần cẩn trọng khi sử dụng loại thuốc này.

- Không nên dùng cho người bị viêm đại tràng mạn tính, đại tiện lỏng, sôi bụng.

- Không nên dùng cho phụ nữ có thai vì tuy thảo dược không gây giãn mạch, không hạ huyết áp, nhưng có thể gây sẩy thai.

- Chỉ dùng trong các trường hợp bệnh nhẹ, mới mắc. Nếu dùng mà tình trạng bệnh nặng thêm lên cần đến cơ sở y tế để được thăm khám.

- Việc phối hợp nhiều loại dược liệu cần có sự đồng ý của thầy thuốc chuyên khoa để tránh tương tác gây dị ứng, tác dụng phụ.

Cỏ nhọ nồi là loài thảo dược lành tính, việc sử dụng hiệu quả vị thuốc này có thể mang lại nhiều công dụng. Sau bài viết, bạn đã biết thêm nhiều lợi ích của cây cỏ mực – một loài cây được xem như “thần dược” tự nhiên và dễ tìm.

Tuy nhiên, cũng như các loại thảo dược khác, việc sử dụng nó bạn cũng cần tham khảo ý kiến thầy thuốc chuyên môn trước khi sử dụng để đạt kết quả tốt nhất./.

Ds.CKI. Nguyễn Quốc Trung