Dè chừng nguy cơ khiến con mất mạng vì uống nhầm dầu hỏa

Trạng ngộ độc dầu hỏa đang tăng mạnh, một bé trai 16 tháng phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi trung ương chỉ vì uống nhầm dầu hỏa trong chai nhựa dẫn đến viêm phổi nặng.

Ngày 23/07/2017, 02:07:25   Tác giả : Trang Minh    Lượt xem: 806

Trang y tế Việt Nam liên tục cập nhật những trường hợp trẻ nhỏ bị ngộ độc khi uống nhầm dầu hỏa, xăng hay các chất cực độc khác chỉ vì cha mẹ lơ là, chủ quan và không để ý đến trẻ. Trường hợp của bé N. 16 tuổi đến từ Hà Nội cũng đã được bác sĩ, giảng viên Dương Trường Giang hiện đang công tác tại Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cảnh báo đến các vị phụ huynh.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Bé N. cấp cứu vì uống nhầm chai dầu hỏa mở nắp

Tối hôm đó gia đình tổ chức liên hoan cho các cháu, bé N. chơi đùa với các bạn và khi người lớn không để ý, bé đã vô tình uống nhầm chai dầu hỏa đang được mở nắp để trong nhà. Sau khi uống xong cháu ho sặc sụa, khó thở, tím tái nên được gia đình đưa vào bệnh viện.

Bệnh nhân vào khoa Cấp cứu chống độc – Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng khó thở, tím tái và suy hô hấp. Cháu đã được thở oxy, dùng kháng sinh và sau khi làm xét nghiệm, chụp phim phổi, các bác sỹ chẩn đoán cháu bị viêm phổi nặng do uống nhầm và hít phải dầu hỏa.

Bác sỹ Ngô Anh Vinh, khoa Cấp cứu chống độc – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có khá nhiều trường hợp trẻ uống nhầm dầu hỏa và phải vào khoa cấp cứu.

Ngoài dầu hỏa thì xăng, cồn và các chất tẩy rửa… cũng là hóa chất gia dụng khiến trẻ hay vô tình uống nhầm. Nguyên nhân chủ yếu là do những hóa chất gia dụng này thường được cất giữ ở các chai lọ để ngay trong không gian sinh hoạt của gia đình. Khi người lớn bất cẩn trong quá trình trông nom, trẻ rất dễ tò mò, nghịch ngợm và uống phải.

Xăng dầu thuộc nhóm hóa chất bay hơi, có đặc tính sức căng bề mặt thấp nên dễ lan rộng kích thích niêm mạc gây các triệu chứng ho sặc sụa, nôn, ngạt thở ngay khi uống vào. Độ nhớt thấp và độ bay hơi cao cho nên dễ dàng hít vào phổi, nhanh chóng đến tận các phế quản nhỏ và phế nang gây viêm phổi.

Biểu hiện nào chứng tỏ bé bị ngộ độc dầu hỏa, xăng dầu?

Biểu hiện thở nhanh, co lõm ngực, khò khè. Nếu lượng xăng dầu vào phổi nhiều, sẽ có sự phá hủy biểu mô hô hấp, vách phế nang và mao mạch phổi, gây tổn thương chất surfactant lót trong phế nang và các tiểu phế quản tận gây suy hô hấp nặng, thiếu oxy trầm trọng có thể dẫn đến tử vong.

Lượng xăng dầu nuốt vào cũng gây tác dụng tại chỗ, làm đau bụng, tức ngực, buồn nôn. Nếu được hấp thu từ phổi và ruột vào máu lên não, xăng dầu sẽ tác động trực tiếp trên các tế bào não gây các triệu chứng lừ đừ, kích thích, co giật, hôn mê.

Tổn thương trên phim X-quang phổi thường thấy ở vùng đáy và rốn phổi nhiều hơn các vị trí khác. Các tổn thương thâm nhiễm, ứ khí phế nang, xẹp phổi, tràn khí màng phổi hồi phục rất chậm sau khi các triệu chứng đã thuyên giảm.

Mặc dù là một bệnh hiếm gặp, nhưng hầu hết các ca có di chứng trên hệ hô hấp thường kéo dài, có thể gây biến chứng xẹp phổi, áp-xe phổi.

Theo bác sĩ, khi trẻ uống nhầm xăng dầu không được móc họng gây nôn vì thực tế khi tai nạn xảy ra, người nhà hay xử trí đầu tiên là móc họng gây nôn nhằm loại bỏ độc chất ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nôn ra trong trường hợp trẻ đã uống nhầm xăng, dầu sẽ làm hơi xăng dầu xâm nhập nhiều hơn vào đường hô hấp, chưa kể đến những tai biến có thể xảy ra như sặc chất nôn vào đường thở. Tốt nhất trong trường hợp này là nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý thích hợp.

Để tránh cho trẻ uống nhầm xăng dầu các bậc phụ huynh lưu ý:

- Xăng dầu phải được chứa trong những bình chứa riêng, có dán nhãn để tránh gây nhầm lẫn đối với người lớn và đặt ở nơi mà trẻ không thấy, không lấy được.

- Không đựng xăng dầu vào các chai nhựa, vật dụng vốn đựng nước uống.

- Không để trong khu vực trẻ em thường vui chơi, qua lại.

- Không để trẻ nhỏ tự chơi một mình.

- Người lớn khi trông giữ trẻ, không làm việc khác mà phải thường xuyên giám sát để tránh cho trẻ những tai nạn tại nhà.

Thông qua trường hợp đáng tiếc trên đây, các bạn có thể rút ra kinh nghiệm cho mình để trẻ không phải cấp cứu vì sự vô tâm của người lớn. Nhờ đó tin y tế trong ngày sẽ không cần phải ghi nhận những câu chuyện ngộ độc tương tự.

Nguồn theo Báo Infonet