Những công dụng chữa bệnh từ vị thuốc Đăng tâm thảo

Đăng tâm thảo là vị thuốc còn khá lạ với nhiều người, nhưng tác dụng chữa bệnh của nó lại đa dạng và hiệu nghiệm. Vậy đăng tâm thảo có công dụng và cách dùng đăng tâm thảo như thế nào?

Ngày 11/07/2019, 08:03:01   Tác giả : Văn Quyết    Lượt xem: 209

 

Mô tả chung về đăng tâm thảo

Theo GV YHCT Bùi Huỳnh - Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur: Đăng tâm thảo còn có tên gọi khác là cây bấc đèn, hổ tu thảo, đăng thảo, xích tu, cây bấc, cỏ bấc, cỏ bấc đèn. Có tên khoa học là Juncus effusus Linn. Họ bấc. Đăng tâm thảo lấy phần lõi cây ra làm thuốc.

Là cây thảo, cao từ 0,5 đến 1m, có thân rễ nằm ngang hay nằm nghiêng, thân tròn cứng, mọc thành cụm dầy, không có lá, có ruột xốp từ gốc tới ngọn. Lá giảm thành những bẹ ở gốc thân. Hoa đều, lưỡng tính, mọc thành vòng, màu lục nhạt. Bao hoa khô xác không phân hóa. Nhị 3, ít khi 4 hoặc 6. Bao phấn hình chỉ. Bầu có vòi rất ngắn, đầu nhụy to. Quả nang, hạt nhỏ. Cây ra hoa vào đầu mùa hạ.

Cần phân biệt Đăng tâm thảo với các loại cây khác có đặc điểm tương tự. Ở Trung Quốc người ta còn dùng các cây Thủy đăng tâm hoặc cây Juncus setchunensis Buch. var. Effusoides Buch, dùng làm Đăng tâm có cùng công dụng với cây trên.

Cây mọc hoang dại nơi kín ướt, bãi lầy và được trồng để lấy ruột thân làm bấc đèn dầu ta.

Tháng 9 đến tháng 10 cắt toàn cây về, rạch dọc thân để lấy lõi riêng ra, bó thành từng bó, phơi hay sấy khô tới độ ẩm dưới 11%.

Phần dược liệu dùng có biểu hiện hình trụ tròn dài, thường hay cắt đoạn dài thành 10 đến 12cm, thô chừng 1,5 đến 3,2, có màu trắng vàng hơi thô, chất mềm rất nhẹ sau khi đè xẹp có thể phồng trở lại, không có mùi vị.

Bào chế vị thuốc

Đăng tâm rất khó nghiền, muốn tán thành bột, lấy bột gạo nấu hồ hay nước cơm hòa với Đăng tâm phơi cho khô nghiền nhỏ rồi bỏ trong chậu nước, khuấy đều, cái nào nổi trên mặt nước là Đăng tâm. Sau đó lấy phơi khô cất dùng (Bản Thảo Cương Mục). Nếu dùng vào thuốc thang thì sau khi lấy được ruột lõi còn gọi là tủy, ngắt ngắn đi, nhặt cho sạch lá rồi bỏ vào thuốc sắc.

Lấy một ống tre có hai đầu mắt tre, xoi thủng một lỗ, nhét Đăng tâm đầy vào ống, đốt nóng cho ống tre khô đi là được (Phương Pháp Bào Chế Đông Dược) bài thuốc dân gian.

Đặc tính dược liệu

Đăng tâm vị nhạt mà lạnh, thể nó nhỏ mà khí yếu, các sách đều nói là giáng tâm hoa, ấy là lấy tâm để trị tâm vậy. Tâm hỏa thanh thì phế kim phải túc giáng. Tâm và Tiểu trường lại tương quan biểu lý nên nhiệt từ tâm theo tiểu trường mà đi xuống. Vả lại, một khi nhiệt đã hết thì huyết cũng được yên lành, nhờ đó mà có thể cầm máu mà thông lâm, thanh được nhiệt ẩn náu ở trên thượng tiêu. Đó là thánh dược trị ngũ lâm, người khí hư, tiểu nhiều không cầm thì không nên dùng.

Đăng tâm khí vị đều nhẹ, bởi nhẹ nên phù lên trên, chuyên nhập vào tâm phế. Vị của nó rất là nhạt, mà nhạt thì có thể lợi khiếu, làm cho uất nhiệt ở phần trên đi xuống dưới theo đường tiểu mà ra ngoài. Chủ trị của Đăng tâm là ho, đau họng, mắt đỏ, hoa mắt, bí tiểu, phù thủng, tiểu không thông, cảm nắng, tiểu đục, trẻ con dạ đề, đều có công dụng là thành nhiệt vậy. Thời nay, người ta nghi ngờ vật có vị nhạt mà nhẹ thì sức lực kém mà coi thường chứ chẳng biết rằng nhẹ có thể đẩy lùi được cái thực, vì tính nhạt cho nên hay thấm. Vì thế nó mới có thể dẫn nhiệt ở tâm phế từ trên đi xuống dưới thông điều đường tiểu xuống bàng quang.

Tác dụng của đăng tâm

Giáng tâm hỏa, thanh phế nhiệt, lợi tiểu trường

Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Đăng tâm

Tiểu buốt giắt, nước tiểu đỏ: Đăng tâm thảo 9g, Mộc thông mỗi thứ 6g, Xa tiền tử, Biển súc, Hoàng bá mỗi thứ 9g, Hoạt thạch 6g, sắc uống.

Tiểu đau, tiểu khó: Cam thảo, Mộc thông, Chi tử, Đông quỳ tử mỗi thứ 9g, Hoạt thạch 12g, Đăng tâm 3g. Sắc uống (Tuyên Khí Tán – Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).

Trị khó ngủ: Đăng tâm thảo sắc uống thay trà thì ngủ được (Tập Giản Phương).

Trường hợp mất ngủ, bức rức, miệng khát: Đăng tâm thảo 3g, Đạm trúc diệp 9g, hãm với nước như trà.  (Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).

Theo GV YHCT Bùi Huỳnh - Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur