Nguy hiểm: Kiến ba khoang tấn công hàng chục người nhập viện mỗi ngày

Trong những ngày gần đây BV Da liễu Trung ương liên tục tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nhập viện do kiến ba khoang cắn mỗi ngày, ước tính số ca tăng 20 – 30% so với những tháng trước đó.

Ngày 13/11/2018, 06:31:25   Tác giả : Nụ An    Lượt xem: 465

Mặc dù trước đó trang tin tức Y tế đã liên tục đưa ra những lời cảnh báo và nhắc nhở người dân nên chủ động ngăn ngừa loài kiến độc này nhưng tình trạng số người bị kiến đốt vẫn tiếp tục gia tăng và không có dấu hiệu thuyên giảm.

Kiến ba khoang đốt có thể gây viêm da, bỏng da và để lại sẹo trên da

Kiến ba khoang đốt có thể gây viêm da, bỏng da và để lại sẹo trên da

Tình trạng nặng thêm khi tự điều trị tại nhà

Do chủ quan không nghĩ rằng những vết rộp trên mặt là do mình đã tiếp xúc với kiến ba khoang chị Nguyễn Thị T. (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) đã sai lầm khi không đi khám sớm nên những tổn thương do kiến ba khoang gây ra đang để lại nhiều vết thâm trên mặt. Được biết đây không phải là trường hợp đầu tiên mà trước đó tại khu nhà chị cũng có nhiều người bị tương tự. “Tôi cứ thấy ngứa là gãi nên ngày hôm sau vết ngứa loang rộng ra. Sau đó thấy mặt bắt đầu sưng, rồi sưng mắt mới đến bệnh viện khám…” chị T. cho hay.

Trước tình trạng trên ThS.BS Nguyễn Tiến Thành – Bệnh viện Da liễu Trung Ương cho biết, một trong những sai lầm của rất nhiều bệnh nhân khi bị kiến ba khoang đốt đó là tự mua thuốc điều trị, ra hiệu thuốc tự bắt bệnh theo hướng zona, giời leo… hoặc tự dùng lá cây, thuốc màu bôi vào vết thương. Vô tình, điều đó làm vết thương bị sâu hơn, loét rộng hơn và có thể để lại sẹo thâm. Cũng nói về vấn đề này, Dược sĩ Cao đẳng Y dược – Trường Cao đẳng Y dược Pasteur cho hay, tổn thương trên da do kiến ba khoang gây ra có dạng dát đỏ, thành đám, thành vệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như: mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay. Thương tổn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp. Bệnh nhân có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.

Độc tố có trong kiến ba khoang được xác định là cực độc

Độc tố có trong kiến ba khoang được xác định là cực độc

“Kiến ba khoang có nhiều độc tố, không dùng tay giết kiến”

Đó là lời cảnh báo của các chuyên gia da liễu về tình trạng khi nhìn thấy kiến ba khoang xuất hiện trong nhà hay khu vực mình ở. Vì hầu hết bệnh nhân đến viện khám tổn thương da do tiếp xúc chất tiết của kiến ba khoang không phải do con vật này đốt mà vì mọi người có thói quen tự dùng tay trực tiếp giết kiến. Khi này, chất tiết của kiến sẽ bám dính vào da và gây tổn thương.

Theo tìm hiểu thì trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12 – 15 lần nọc của rắn nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Kiến ba khoang ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt và các vật dụng trong nhà. Khi bị chất độc của kiến dính nên da, da chúng ta sẽ bị bỏng hoặc nhẹ là viêm da. Do đó, nếu trong nhà có kiến ba khoang, mọi người nên sử dụng đồ bảo hộ và bắt kiến vất đi, không nên tiếp xúc trực tiếp với kiến, nơi kiến chết có dịch tiết cần lau sạch. Khi không may bị dịch kiến ba khoang dính vào da cần vệ sinh sạch bằng xà phòng dịu nhẹ, bôi dưỡng ẩm và đến bệnh viện chuyên khoa da liễu thăm khám. Tuyệt đối không tự điều trị vì có thể khiến tình trạng nặng thêm cũng như gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Nếu da bị dịch độc của kiến dính vào chúng ta chỉ cần điều trị và xử lý đúng cách thì chỉ ngày hôm sau là khỏi.

Hiện khiến ba khoang xuất hiện nhiều ở những khu nhà có nhiều cây cối và cánh đồng, vì thế khi ngủ chúng ta nên bỏ màn để tránh kiến đốt gây tổn thương nghiêm trọng đến vùng da, đặc biệt là mặt.

Nguồn: ytevietnam.net.vn