Cây sen có tác dụng chữa bệnh không?

Cây sen là một loại dược liệu được sử dụng nhiều trong đời sống, với các bộ phận như hạt, lá, củ, thân,.. sen có rất nhiều tác dụng nhưng không phải ai cũng biết.

Ngày 18/09/2019, 08:35:01   Tác giả : Văn Quyết    Lượt xem: 1449

Cây sen có tác dụng chữa bệnh không?
Cây sen có tác dụng chữa bệnh không?

Đặc điểm thực vật và phân bố

Theo chuyên gia YHCT Đỗ Thu (GV Y sĩ YHCT TPHCM - Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cs HCM) Cây được trồng ở vùng ao đầm có nhiều ở đồng bằng. Thân rễ hình trụ mọc trong bùn, gọi là ngó sen dùng làm thực phẩm, lá mọc lên khỏi mặt nước, cuống lá dài có gai nhỏ, phiến lá hình đĩa to, đường kính 40-70cm có gân toả tròn. Hoa to, gồm nhiều cánh hoa trắng - đỏ hồng, đều, lưỡng tính, nhiều nhị, bao phấn 2 ô nở ra bởi kẽ dọc, trung đới dài ra mọc thành phần trụ màu trắng gọi là hạt gạo, phần này có hương thơm dùng để ướp chè.

Lá noãn nhiều và rời nhau, đựng trong một đế hoa loe hình nón ngược, vòi ngắn, núm nhụy chỉ nhô lên khỏi đế hoa, mỗi lá noãn sinh ra một quả, trong đựng một hạt, hạt không có nội nhũ, hai lá mầm nạc dày bao bọc bởi một màng mỏng, chồi mầm (tâm sen)  mang 4 lá non gập vào trong có diệp lục.

Bộ phận dùng và chế biến

  • Hạt sen (Semen Nelumbinis) là hạt còn màng lụa hồng bên ngoài, phơi khô được gọi là liên nhục.
  • Quả sen (Fructus Nelumbinis) là quả già phơi khô còn gọi là liên thạch.
  • Tâm sen (Enibryo Nelumbinis) là chồi mầm phơi khô được gọi là liên tâm.
  • Tua sen (Stamen Nelumbinis) là nhị hoa còn gọi là liên tu.
  • Lá sen ( Folium Nelumbinis) hái vào mùa hè và mùa thu còn gọi là liên diệp.

Ngoài ra, người ta còn dùng gương sen là đế hoa, gọi là liên phòng, ngó sen là thân rễ gọi là liên ngẫu.

Thành phần hóa học

  • Hạt có thành phần chính là tinh bột. Hạt tinh bột hình trứng, rốn hạt hình vạch kích thước từ 3-25mm.
  • Lá có nhiều alcaloid đã được phân lập và xác định cấu trúc: Nuciferin, anonain roemerin... ngoài alcaloid ra, lá còn có các flavonoid: quercetin, isoquercitrin...
  • Tâm sen có các alcaloid: Liensinin, isoliensinin, neferin, lotusin...
  • Gương sen có quercetin, liensinin, isoliensinin...

Công dụng của cây sen

Theo y học hiện đại: Lá sen có tác dụng giảm béo, chống xơ vữa động mạch, giải độc nấm, trên lâm sàng được dùng để phòng và điều trị béo phì, cao huyết áp, mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, viêm túi mật.

Công dụng của cây sen
Công dụng của cây sen

Theo y học cổ truyền:

  • Lá sen: vị đắng chát, tính bình quy kinh tâm, tỳ, vị, có tác dụng thanh thử thấp, chỉ huyết. Trị chữa sốt mùa hè, say nắng, chữa ỉa chảy.
  • Nhụy sen: vị ngọt sáp, tính bình. Quy vào 2 kinh tâm và thận. Có tác dụng thanh tâm, bổ thận sáp tinh, dùng để điều trị băng lậu, hay quên hoặc cầm máu.
  • Liên ngẫu: vị ngọt, tính mát, quy vào kinh tâm, can, tỳ. Có tác dụng lương huyết, chỉ huyết, thanh tả vị hỏa, tiêu thực, bổ âm, thanh nhiệt, dùng để trị chảy máu cam, đái ra máu, hậu sản...
  • Gương sen: vị đắng, tính chát ôn, quy vào 2 kinh can, tâm. Có tác dụng tiêu ứ, chỉ huyết, dùng để trị băng lâu, đi tiểu ra máu.
  • Hạt sen: vị gọt sáp, tính bình, quy vào 3 kinh tâm, tỳ, thận. Có tác dụng bổ tâm an thần, ích tỳ sáp trường, cố tinh, sinh dưỡng cơ nhục. Dùng để điều trị các chứng tâm tỳ hư mất ngủ, tâm phiền, ỉa chảy kéo dài, người gày yếu, cơ bắp teo nhẽo, trẻ em bụng ỏng đít beo. Hạt sen thường dùng nấu chè ăn hoặc làm mứt sen; y học cổ truyền dùng hạt sen làm thuốc bổ tỳ; thuốc chữa thần kinh suy nhược, mất ngủ, di tinh, đi tiểu lỏng ngày dùng 30g..
  • Tâm sen: vị đắng, tính hàn, quy vào 2 kinh tâm và thận, có tác dụng thanh tâm, an thần dùng để điều trị chứng mất ngủ mất ngủ, trấn tâm an thần, giải phiền não, chữa nói nhảm, di mộng tinh, tăng khí lực.

Một số bài thuốc có chứa sen

Sen được chế biến thành nhiều món ăn bài thuốc với công dụng tuyệt vời, chuyên gia YHCT Đỗ Thu (GV Y sĩ YHCT TPHCM - Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cs HCM) tổng hợp một số bài thuốc như sau:

Hạt sen có công dụng gì ?
Hạt sen có công dụng gì?

  • Chữa di tinh, hoạt tinh, di niệu: liên nhục 2kg, liên tu 1kg, hoài sơn 2kg, sừng nai 1kg, khiếm thực 0,5kg, kim anh 0,5kg đem tán thành bột, riêng kim anh nấu cao, làm thành viên hoàn, ngày uống 10 - 20g.
  • Chữa tiêu chảy mãn tính: liên nhục 12g, đảng sâm 12g, hoàng liên 5g sắc uống hoặc tán bột uống mỗi ngày 10g.
  • Chữa mất ngủ do tâm hỏa vượng: táo nhân 10g, viễn trí 10g, liên tử 10g, phục thần 10g, phục linh 10g, hoàng kỳ 10g, đảng sâm 10g, trần bì 5g, cam thảo 4g. Tất cả sắc uống ngày 1 thang.
  • Chán ăn do suy nhược: Hạt sen 100g, dạ dày lợn một cái. Dạ dày lợn rửa sạch, thái lát, thêm nước vừa đủ, tiềm cách thủy với hạt sen, dùng trong ngày.
  • Chữa sốt cao nôn ra máu, chảy máu cam: sinh địa tươi 24g, trắc bá diệp tươi 12g, lá sen tươi 12g, ngải cứu tươi 8g nấu lấy nước uống nhiều lần trong ngày.
  • Trị béo phì, hạ cholesterol máu cao: dùng bằng cách nấu lá sen tươi uống thay nước hàng ngày, mỗi ngày 1 lá.

Nguồn: Y tế việt nam 2019 - Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cs HCM